Cụ thể, các nước EU thống nhất sẽ đánh thuế carbon đối với tất cả hàng hóa xuất khẩu sang thị trường này dựa trên cường độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước sở tại.
EU cho biết, CBAM ban đầu sẽ áp dụng đối với các hàng hóa nhập khẩu có nguy cơ ô nhiễm cao như thép, xi măng, phân bón, nhôm, điện và hydro. Đây là những lĩnh vực chiếm tới 94% lượng khí thải công nghiệp của EU. Các nhà nhập khẩu sẽ phải báo cáo lượng khí thải có trong hàng hóa nhập khẩu, nếu lượng khí thải này vượt quá tiêu chuẩn của EU, thì sẽ phải mua "chứng chỉ khí thải" theo mức giá carbon hiện nay tại EU.
Theo ông Pascal Canfin - Chủ tịch Ủy ban Môi trường thuộc Nghị viện châu Âu, việc đánh thuế carbon là bệ đỡ quan trọng trong các chính sách khí hậu của châu Âu và là một trong những cơ chế mà EU có để khuyến khích các đối tác thương mại khử carbon trong lĩnh vực sản xuất. EU đã thảo luận vấn đề này trong hơn 20 năm qua, và nó mang tính lịch sử.
CBAM được thiết kế để tuân thủ các quy tắc của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) nhằm ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ.
27 quốc gia thành viên EU dự kiến bắt đầu thực hiện thí điểm CBAM vào tháng 10/2023. Việc lên thời gian biểu để thực hiện cơ chế này sẽ phụ thuộc kết quả của các cuộc đàm phán tiếp theo diễn ra cuối tuần này.
Ông Pascal Canfin thông tin, CBAM sẽ đảm bảo sự công bằng với các doanh nghiệp - những công ty phải trả giá carbon ở châu Âu với các đối thủ nước ngoài - những công ty không trả giá, và hơn thế nữa là để EU bảo vệ môi trường.
Như vậy, các doanh nghiệp xuất khẩu sang các nước thuộc khối Liên minh Châu Âu buộc phải tìm ra giải pháp sản xuất xanh, giảm thiểu tác hại tới môi trường.
Được biết, thỏa thuận này được ký kết sau 1 ngày sau khi nhóm Các quốc gia công nghiệp và phát triển (G7) tuyên bố thành lập một “Câu lạc bộ khí hậu quốc tế”, nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp xanh hơn.