Theo thỏa thuận, các nhà sản xuất ô tô sẽ được yêu cầu giảm 55% lượng khí thải của ô tô mới bán ra vào năm 2030 so với năm 2021, trước khi đạt mức cắt giảm 100% vào năm 2035. Để có hiệu lực, thỏa thuận phải được Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên thông qua.
Nghị viện EU cho biết, thỏa thuận này là một "tín hiệu rõ ràng trước Hội nghị về biến đổi khí hậu COP27 của Liên Hợp Quốc rằng EU nghiêm túc trong việc thông qua các luật cụ thể để đạt được các mục tiêu tham vọng hơn được đề ra trong Luật Khí hậu của EU”.
Theo dữ liệu của khối, giao thông vận tải là lĩnh vực duy nhất có lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tăng lên trong ba thập kỷ qua, tăng 33,5% trong giai đoạn 1990 - 2019. Xe du lịch là tác nhân gây ô nhiễm lớn, chiếm 61% tổng lượng khí thải CO2 từ vận tải đường bộ của EU.
EU muốn giảm đáng kể lượng khí thải từ giao thông vận tải vào năm 2050 và thúc đẩy ô tô điện, nhưng một báo cáo từ kiểm toán viên bên ngoài của khối năm ngoái cho thấy khu vực này đang thiếu các trạm sạc thích hợp.
Pascal Canfin, chủ tịch Ủy ban môi trường của Nghị viện Châu Âu cho biết “các phương tiện vận tải chạy năng lượng hoá thạch chiếm 16% lượng khí thải của Châu Âu vào thời điểm hiện tại, sẽ là trung tính carbon vào năm 2050”.
Năm 2015, các nhà lãnh đạo thế giới đã nhất trí ở Paris để giữ nhiệt độ toàn cầu không tăng hơn 2 độ C (3,6 độ F) và lý tưởng là không quá 1,5 độ C (2,7 độ F) vào cuối thế kỷ này.