Không chỉ với người nước ngoài, người dân thành phố Tel Aviv cũng cảm thấy “chóng mặt” với chi phí sinh hoạt tại thành phố ven bờ Địa Trung Hải này. Bảng xếp hạng chỉ số Chi phí Sinh hoạt Toàn cầu năm nay do Economist Intelligence Unit (EIU) công bố ngày 1/12 cho thấy thành phố Tel Aviv của Israel đã vươn lên 5 bậc so với năm ngoái và trở thành địa điểm có chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhất thế giới.
Chỉ số này dựa trên việc so sánh giá các mặt hàng và dịch vụ tại 173 thành phố lớn tính theo đồng USD. Theo EIU, lạm phát đã khiến cuộc sống trở nên đắt đỏ hơn tại hầu hết các thành phố lớn trên thế giới, không riêng gì các địa điểm bấy lâu nay vẫn đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng về chi phí sinh hoạt như Singapore (Xin-ga-po), Zurich (Thụy Sỹ), Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc), New York (Mỹ), Geneva (Thụy Sỹ), Tokyo (Nhật Bản)...
Báo cáo của EIU lý giải: Nhiều thành phố lớn trên thế giới dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, một số nơi chứng kiến sự gia tăng trở lại của các ca mắc mới, phải áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội. Vì vậy, “tại nhiều thành phố, việc này đã làm gián đoạn nguồn cung, dẫn đến thiếu hụt hàng hóa và giá cả tăng cao”.
Với Tel Aviv, lần đầu tiên thành phố lớn nhất và sôi động nhất tại Israel được "thăng hạng" lên vị trí số một trong bảng xếp hạng của EIU một phần là do đồng nội tệ NIS đã tăng giá mạnh so với đồng USD, bên cạnh giá cả hàng hóa và dịch vụ tăng cao, nhất là rau củ quả. Trong giai đoạn thực hiện khảo sát từ tháng 8-9/2021, giá hàng hóa và vận tải trung bình ở Tel Aviv tăng 3,5% tính theo đồng NIS (đồng nội tệ của Israel) - tốc độ lạm phát nhanh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Khoảng 10% các mặt hàng tại thành phố này đã tăng giá trong năm qua. Báo cáo của EIU cho biết Tel Aviv đứng thứ hai thế giới về đồ uống có cồn và chi phí đi lại, đứng thứ 5 về các sản phẩm chăm sóc cá nhân và đứng thứ 6 về giá các dịch vụ giải trí.
Tuy nhiên, giá cả tăng chỉ là một phần. Các chuyên gia kinh tế cho biết sự tăng trưởng mạnh mẽ của luồng vốn đầu tư nước ngoài và nguồn ngoại tệ thu được từ xuất khẩu, nhất là dịch vụ công nghệ cao, khiến đồng USD tràn ngập nền kinh tế và đẩy đồng nội tệ tăng giá, bất chấp các nỗ lực can thiệp của Ngân hàng Israel (BoI). Hồi đầu năm, BoI tuyên bố sẽ tung ra 30 tỷ USD trong năm nay để mua vét USD nhằm ghìm đà tăng của đồng nội tệ. Tuy nhiên, dường như đến tháng 10 thì số ngoại tệ này đã được dùng hết và tháng 11 đồng NIS đã chạm mức giá cao kỷ lục trong 25 năm so với đồng USD.
Bảng xếp hạng của EIU so sánh chi phí sinh hoạt dựa trên đồng USD, càng khiến giá cả tại Israel đắt đỏ hơn. Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Israel, giáo sư Dan Ben-David – Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Xã hội Shoresh, thuộc ĐH Tel Aviv - giải thích: “Yếu tố tạo ra sự thay đổi lớn đó là chúng tôi có một nền kinh tế khởi sắc, khiến đồng nội tệ NIS tăng giá rất mạnh. Nó đã tăng 22% so với đồng USD… Đồng NIS lên giá nhiều nhất trong các đồng tiền thuộc nhóm các nước OECD (nhóm các nước phát triển hàng đầu thế giới). Vì vậy, khi hàng hóa được quy đổi ra đồng ngoại tệ, việc này khiến giá cả có vẻ đắt đỏ hơn nhiều”.
Tuy nhiên, danh hiệu “đắt đỏ nhất thế giới” của Tel Aviv không chỉ là hình thức. Nền kinh tế bị tác động nặng nề bởi dịch COVID-19 khiến thu nhập của người lao động thuộc nhiều ngành nghề lĩnh vực bị giảm sút nghiêm trọng, đặc biệt là du lịch, dịch vụ giải trí, tài chính, bảo hiểm. Trong khi đó, theo một tính toán gần đây, chi phí trung bình cho một gia đình 4 thành viên tại Tel Aviv rơi vào khoảng 18.299 NIS/tháng, tương đương 5.800 USD. Gallagher cho biết kể từ khi trở lại Israel số lượng học sinh đã giảm hẳn và anh đang tính phải tìm một công việc chân tay để làm thêm.
Báo cáo mới nhất của tổ chức từ thiện Meir Panim công bố cho biết có tới hơn 2 triệu người dân Israel, trong tổng dân số khoảng 9,5 triệu người, là thuộc diện nghèo. Với họ, việc các mặt hàng rau củ quả tăng chóng mặt 9,5% trong tháng 8 thực sự là một cú sốc, nhất là người dân ở các khu vực cộng đồng Do Thái chính thống hoặc gốc Arab, nơi điều kiện kinh tế xã hội thấp hơn các vùng còn lại của Israel (Ix-ra-en).
Giáo sư Ben-David cho biết, nếu tính theo giá quy đổi ra đồng USD, một người có thu nhập trung bình tại Israel sẽ mua được số lượng hàng hóa và dịch vụ ít hơn người có thu nhập trung bình ở các nước phát triển khác. “Đó là sự kết hợp của hai yếu tố. Thứ nhất là thu nhập của người dân Israel bị giảm sút, thứ hai là giá cả thực sự đắt đỏ, đặc biệt là giá nhà ở, dịch vụ y tế, giáo dục, thực phẩm..vv.. Có nhiều lĩnh vực giá cả đã trở nên rất đắt đỏ đối với một người bình thường, xét về thu nhập”.
Mặc dù giá nhà ở, bao gồm giá mua và giá thuê, không được tính trong “giỏ” hàng hóa và dịch vụ của EIU, nhưng chắc chắn nếu đưa vào thì “vị trí số 1” về đắt đỏ của Tel Aviv cũng sẽ không thay đổi. Số liệu của Tổng cục Thống kê Israel cho biết giá, bất chấp khủng hoảng kinh tế do đại dịch COVID-19, giá nhà tại Israel đã tăng gấp đôi trong thập niên qua, riêng trong 12 tháng qua đã tăng 9,2%.
Một lý do nữa khiến chi phí sinh hoạt tại Tel Aviv tăng cao là bởi tại Israel không có các đô thị lớn khác để người dân có thể lựa chọn chuyển đi khi cuộc sống tại đây quá đắt đỏ. Nguồn cung thị trường nhà ở căng thẳng khiến việc tìm một căn hộ mới ở một thành phố khác gần kề cũng rất khó khăn. Chẳng hạn, trong khi mật độ dân số của Tel Aviv hiện vào khoảng 8.600 người/km2, thì các thành phố gần kề như Ramat Gan có mật độ 9.300 người/km2, Holon có mật độ 10.000 người/km2, Bat Yam 15.000 người/km2.
Sự kết hợp của nhiều yếu tố nói trên đã khiến Tel Aviv trở thành thành phố đắt đỏ nhất thế giới. Tuy nhiên, nhịp sống sôi động ngày đêm và một xã hội cởi mở đã khiến số lượng người dân muốn đến thành phố này sinh sống không những không giảm xuống, mà còn tăng gần 2% trong năm qua./.