Tại một phiên họp bất thường, Thủ tướng Đức Olaf Scholz, cho biết nước này sẽ thay đổi hướng đi để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu. Quyết định này thể hiện một sự thay đổi lớn và tốn kém đối với chính phủ vốn đã dựa vào nguồn cung từ Nga để đảm bảo nhu cầu năng lượng trong hai thập kỷ qua.
Trong bối cảnh Nga ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế do các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan đến Ukraine (U-crai-na), Chính phủ Đức không còn có thể dựa vào nguồn cung từ Nga để tiếp tục đảm bảo hơn một nửa lượng khí đốt tiêu thụ của nước này.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Christian Lindner cho biết mặc dù nguồn cung năng lượng phần lớn đã được miễn trừ khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây, các nhà hoạch định chính sách nước này vẫn cần "chuẩn bị cho kịch bản" Nga ngừng cung cấp khí đốt.
Ban đầu, Đức hy vọng sẽ thay thế nguồn cung từ Nga bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG), nhập khẩu bằng đường biển từ các nhà sản xuất như Mỹ hoặc Qatar (Ca-ta). Chính phủ Đức đã gây chú ý trên thị trường LNG khi thông báo dành 1,5 tỷ euro (1,7 tỷ USD) cho nhiên liệu này. Tuy nhiên, hiện nay, Đức thiếu cơ sở hạ tầng để tiếp nhận nguồn cung khối lượng lớn khi không có bến cảng LNG dọc theo bờ biển nơi tàu chở dầu có thể cập cảng.
Tình trạng trên đồng nghĩa với việc Đức sẽ phải nhập khẩu nguồn cung thông qua một trong 21 kho cảng khác của Liên minh châu Âu, một giải pháp tốn kém vào thời điểm giá năng lượng gia tăng. Tuần trước Bộ Kinh tế Đức nhận định nước này phải xây dựng các kho cảng LNG riêng với các kết nối và cơ sở hạ tầng cần thiết. Theo đó, tại thị trấn phía Bắc Stade, quá trình xây dựng một dự án sắp được tiến hành.
Hanseatic Energy Hub, công ty phụ trách dự án cho biết quá trình đánh giá kỹ thuật đã hoàn tất. Trong khi đó, tại Wilmershaven, trên bờ Biển Bắc, tập đoàn TES (Bỉ) cũng đang lên kế hoạch xây dựng một cơ sở.
Tuy nhiên, phải mất vài năm để các kho cảng đi vào hoạt động. Karen Pittel, chuyên gia năng lượng tại viện nghiên cứu Ifo, lưu ý quá trình phê duyệt mất tối thiểu ba năm và hai năm để xây dựng./.