Dự toán đầu tư 1.670 tỷ đồng bảo tồn và phát triển di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An

Quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng xây dựng Hội An trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch, tập trung xây dựng và phát triển thành phố Hội An trở thành đô thị loại II vào năm 2025. Kinh phí đối với các nhiệm vụ chưa được phê duyệt thực hiện dự án thành phần giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035, dự toán là 1.670 tỷ đồng.
hoi-an-04-1709451315.jpg
Mục tiêu của đề án nhằm bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. (Ảnh minh họa)

Định hướng xây dựng Hội An trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch

UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”.

UBND tỉnh Quảng Nam vừa gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tham mưu trình Chính phủ phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”. Tỉnh Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ bảo tồn nguyên vẹn tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An. Kinh phí đối với các nhiệm vụ chưa được phê duyệt thực hiện dự án thành phần giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2035, dự toán là 1.670 tỷ đồng.

hoi-an-02-1709451369.jpg
Bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An nhằm gắn di sản với cuộc sống của cộng đồng. (Ảnh minh họa)

Theo Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An đến năm 2030, định hướng đến năm 2035”, đối tượng thực hiện bao gồm các bộ phận cấu thành của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An như: Di sản văn hóa vật thể, hiện vật; Di sản văn hóa phi vật thể; Di sản tư liệu; các thiết chế văn hóa; các cơ sở vật chất, kết cầu hạ tầng; cộng đồng di sản. Phạm vi thực hiện đề án trên địa bàn thành phố Hội An, trọng tâm là khu phố cổ Hội An và một số khu vực của các địa phương lân cận địa bàn thành phố Hội An có quan hệ đến hoạt động quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An.

Mục tiêu của đề án là bảo vệ tính toàn vẹn, tính chân xác, giá trị nổi bật toàn cầu của Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An; đảm bảo tính thống nhất và hài hòa giữa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, xã hội; tạo sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển tại khu vực vùng lõi, vùng đệm và khu vực xung quanh. Việc bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng thông qua những hoạt động không gây nguy hại đến giá trị di sản nhằm bảo tồn tốt tính đặc thù của một “di sản sống”.

Hội An - Thành phố sáng tạo toàn cầu thuộc UNESCO

Ngày 31/10/2023, UNESCO đã xác nhận Hội An là một trong hai đại diện của Việt Nam (cùng TP Đà Lạt) chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo toàn cầu thuộc UNESCO trên lĩnh vực "thủ công và nghệ thuật dân gian".

Hội An hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi như nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da.

Trong đó có 3 làng nghề và 1 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 2 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận. Nghệ thuật Bài chòi cũng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2017.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP. Hội An đánh giá, việc trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO là sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng, góp phần thực hiện mục tiêu nâng cao vị thế, thương hiệu Hội An, lan tỏa các giá trị văn hóa đặc sắc của Hội An với bạn bè trong nước và quốc tế.

"Đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trọng trách to lớn của chính quyền và nhân dân thành phố trong việc nỗ lực thực hiện các chương trình hành động và sáng kiến đã cam kết để mang lại các giá trị, lợi ích cao hơn cho cộng đồng, dân cư Hội An và qua đó góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, con người Hội An – Quảng Nam đến với bạn bè khắp năm châu", ông Sơn cho hay.

hoi-an-03-1709451295.jpg
Xây dựng Hội An trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch. (Ảnh minh họa)

Bà Nguyễn Phương Hoà, Cục Trưởng cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT&DL cho rằng, lần đầu tiên Việt Nam có hai thành phố - Hội An và Đà Lạt cùng lúc chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO - sự kiện được bầu chọn là 1 trong 10 sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm.

"Việc trở thành "thành phố sáng tạo của UNESCO" không phải là thêm 1 danh hiệu quốc tế. Hội An đã đủ danh hiệu và quá nổi tiếng khi sở hữu cả danh hiệu Di sản thế giới và di sản phi vật thể "Nghệ thuật Bài Chòi"….

Điều quan trọng khi trở thành thành phố sáng tạo, chính quyền các cấp và cộng đồng dân cư đã cùng đồng lòng đặt "văn hoá sáng tạo" vào trọng tâm của các chiến lược, chính sách phát triển kinh tế xã hội, coi văn hoá sáng tạo là nguồn lực để phát triển bền vững", bà Hòa nói.

Bà Phương Hòa cho rằng, là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO, Hội An đang đứng trước rất nhiều cơ hội, trong đó không thể bỏ qua những cơ hội giao lưu, trao đổi, hội nhập với 350 thành phố khác đến từ hơn 100 quốc gia, không chỉ trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian mà còn trong cả 6 lĩnh vực sáng tạo còn lại của Mạng lưới, góp phần nhanh chóng hiện thực hóa mục tiêu đưa Hội An trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch bền vững, truyền cảm hứng cho các thành phố trong nước và quốc tế.

Quy hoạch chung thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng xây dựng Hội An trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch, tập trung xây dựng và phát triển thành phố Hội An trở thành đô thị loại II vào năm 2025.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam, từ khi Đô thị cổ Hội An chính thức công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới (năm 1999) đến nay, hai nội dung quan trọng mà cộng đồng quốc tế và UNESCO luôn luôn đánh giá cao thành phố Hội An đó là bảo tồn và phát triển.

Ông Hồng nói: "Chúng tôi đặt ra mục tiêu cao nhất là vừa bảo tồn các giá trị văn hoá, các giá trị cộng đồng nhưng vừa phải phát triển các giá trị đó để nâng cao thu nhập cho người dân, rồi cải thiện môi trường sinh thái, trùng tu, tôn tạo các di sản vật thể và phi vật thể tại thành phố này”./.

Bình Nguyên