Dự thảo chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả phát triển ngành chăn nuôi

Ngành chăn nuôi Việt Nam đang chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng nhưng đây cũng là loại hình kinh tế tạo được nhiều việc làm và góp phần cải thiện thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn.

Ngành chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6,0-6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn. Thu nhập của đại bộ phận dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi.

Thực tế hiện nay, rất cần chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi để góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, giá trị các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng lợi thế ngày càng tăng; thị trường các sản phẩm gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định, đảm bảo nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi; từng bước chuyển đổi hướng sản xuất từ chú trọng năng suất, sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị, an toàn thực phẩm; các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được cập nhật, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, thời gian qua, chăn nuôi đã góp phần bảo đảm an ninh thực phẩm quốc gia, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì sản xuất diễn ra bình thường để bảo đảm cung ứng cơ bản đủ thực phẩm cho gần 100 triệu người dân, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp trong việc thực hiện vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế và ổn định tình hình xã hội của cả nước.

chan-nuoi-1662456309.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Theo đó, Bộ NBộ NN&PTNT đang xây dựng Dự thảo Nghị định quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi và lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động.

Cụ thể, mỗi cơ sở chăn nuôi thuộc đối tượng hỗ trợ nêu trên được hỗ trợ một lần đối với một trong các nội dung hỗ trợ sau: Hỗ trợ bố trí quỹ đất để xây dựng cơ sở chăn nuôi cho những đối tượng di dời.

Hỗ trợ không quá 50% kinh phí tái thiết cơ sở chăn nuôi theo quy mô chăn nuôi buộc phải di dời; mức hỗ trợ tối đa 10 tỷ đồng/cơ sở.

Hỗ trợ không quá 50% kinh phí di chuyển vật nuôi đến địa điểm phù hợp; mức hỗ trợ tối đa 500 triệu đồng/cơ sở.

Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác; mức hỗ trợ tối đa 03 tháng lương cơ bản/người.

Các nội dung hỗ trợ khác phù hợp với đặc thù về chăn nuôi của địa phương do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định.

Dự thảo nêu rõ, cơ sở chăn nuôi được hưởng chính sách khi đáp ứng các điều kiện sau:

1- Cơ sở chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi thuộc diện phải di dời theo quy định hiện hành.

2- Người được đào tạo, tập huấn để chuyển đổi từ chăn nuôi sang các nghề khác cần có chứng chỉ hoàn thành khóa học do cơ sở đào tạo, tập huấn và có hợp đồng làm việc với chủ sở hữu lao động hoặc giấy đăng ký sản xuất, kinh doanh do cơ quan có thẩm quyền cấp.

3- Việc hỗ trợ kinh phí tái thiết cơ sở chăn nuôi, kinh phí di chuyển vật nuôi, kinh phí đào tạo, tập huấn... nêu trên được thực hiện sau khi cơ sở chăn nuôi hoàn thành việc di dời ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi hoặc ngừng hoạt động, chuyển đổi ngành nghề có xác nhận của chính quyền địa phương.

Về trình tự thủ tục hỗ trợ, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký hỗ trợ kinh phí di dời cơ sở chăn nuôi, nộp hồ sơ đăng ký về Sở NN&PTNT.

Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, Sở NN&PTNT tổ chức thẩm định hồ sơ. Trường hợp kết quả thẩm định đạt yêu cầu, Sở NN&PTNT nông thôn ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ xây dựng mô hình chăn nuôi; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thi Nguyên (t/h)