Du lịch Hà Nội xây dựng chuỗi sự kiện thu hút khách, thúc đẩy phục hồi sau đại dịch

Dự kiến trong quý II/2022, TP. Hà Nội sẽ đón khoảng 3,2 triệu lượt khách, trong đó đón khoảng 3 triệu lượt khách nội địa và 150-200 nghìn lượt khách quốc tế. Đây sẽ là lượng khách rất quan trọng mà ngành Du lịch Thủ đô cần tận dụng, khai thác hiệu quả, qua đó đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển.

Thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 tháng đầu năm của Sở Du lịch Hà Nội, theo báo cáo kết quả, lượng khách du lịch nội địa đến Thủ đô trong quý I-2022 ước đạt 2,8 triệu lượt khách, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 7,8 nghìn tỷ đồng, tăng 45,3% so với cùng kỳ năm 2021. 

Trong quý I-2022, công suất sử dụng phòng trung bình khối khách sạn 1-5 sao ước đạt khoảng 19,3%, giảm 1,9% so với cùng kỳ năm 2021.

dl-2-16494832366821607514256-1649575439.jpeg

Khai mạc Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022 tại Gian hàng Hanoitourist. Ảnh: VGP/MInh Anh

Gần đây, sự kiện "Du lịch Hà Nội chào 2022 - Get on Hanoi 2022" đã diễn ra với nhiều hoạt động sôi nổi chính thức kích hoạt lại du lịch Thủ đô trong điều kiện "bình thường mới", sẵn sàng chào đón, thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế. 

Bằng sự kết hợp giữa âm nhạc, ánh sáng và hình ảnh visual các điểm đến của Hà Nội, du lịch Hà Nội được giới thiệu độc đáo, ấn tượng qua hàng loạt loại hình nghệ thuật, như: Bộ phim ngắn "Hà Nội muôn màu"; âm nhạc và visual art "Hà Nội nồng nàn, Hà Nội quyến rũ"; visual art "Yêu Hà Nội"; trình diễn nhạc kịch và Performance Art "Get on Hanoi 2022".

Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2022 mang chủ đề "Bình thường mới - Cơ hội mới cho du lịch Việt Nam" cũng đã chính thức khai mạc hôm 31/3 với sự tham gia của hơn 500 cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch và 320 gian hàng. 

Đây cũng là một trong những sự kiện quan trọng để khởi động lại các hoạt động giao thương, kết nối hợp tác phục hồi và phát triển du lịch cả nước và Thủ đô. 

Nhiều doanh nghiệp như Vietravel, Hanoitourist, Tictours, VietSense, Flamingo Redtours… đã giới thiệu các gói tour giảm giá 30% so với giá niêm yết; nhiều combo du lịch, dịch vụ khách sạn có giá chỉ từ 550.000 đồng cùng nhiều sản phẩm khuyến mại, quà tặng chỉ có ở Hội chợ Du lịch VITM Hà Nội 2022.

dl-1649483236778910603197-1649575439.jpeg

Lễ hội khinh khí cầu "Hà Nội muôn màu" tại khu vườn nhãn Long Biên, ven sông Hồng, chân cầu Vĩnh Tuy, quận Long Biên. Ảnh: VGP/Minh Anh

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, ngành Du lịch tăng trưởng bình quân đạt 15%-17%. Năm 2019, khách du lịch đến Hà Nội đạt gần 29 triệu lượt khách. Tuy nhiên, hai năm vừa qua là giai đoạn đặc biệt khó khăn, thách thức đối với cả nước nói chung và thành phố Hà Nội nói riêng, trong đó có ngành du lịch. Để vượt qua những thách thức này, các đơn vị buộc phải thay đổi cách làm du lịch, trước hết là đổi mới về sản phẩm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Cao Thị Ngọc Lan đánh giá, nỗ lực của các đơn vị lữ hành Hà Nội thời gian vừa qua đã góp phần không nhỏ vào việc phục hồi du lịch Thủ đô. Điều đáng nói, bên cạnh những sản phẩm "độc", "lạ", Hà Nội đã thành công khi làm mới những sản phẩm cũ. Trong bức tranh du lịch còn khá ảm đạm, thì đây là những "đốm lửa" thắp lên hy vọng cho du lịch Thủ đô.

dl5-1649483236933573499056-1649575439.jpeg

Làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm) thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: VGP/Minh Anh

Bày tỏ niềm vui khi ngành du lịch được mở cửa hoàn toàn mọi hoạt động, bà Dương Mai Lan, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lữ hành và Sự kiện Thuận An-Ascend Travel and Media khẳng định, du lịch Hà Nội cũng như cả nước chắc chắn sẽ phục hồi trong thời gian tới, dù không thể ngay lập tức trở lại như trước nhưng đang có những dấu hiệu tốt. Công ty Ascend Travel and Media cũng đã bắt đầu xây dựng tour tuyến cho du lịch hè phục vụ khách trong nước.

Tăng tốc phục hồi du lịch

Theo Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang, để đẩy mạnh việc phục hồi phát triển du lịch Thủ đô trong năm 2022, Sở Du lịch Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch tổ chức nhiều sự kiện văn hóa, du lịch. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2022, Sở Du lịch Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội (dự kiến vào quý II-2022); lễ hội áo dài Hà Nội (dự kiến quý IV-2022), cuộc thi tuyển chọn đại sứ du lịch Hà Nội và bài hát du lịch Hà Nội…

Đặc biệt, trong dịp tổ chức SEA Games 31 tới đây, TP. Hà Nội sẽ xây dựng các tour du lịch đặc sắc quảng bá điểm đến, các sản phẩm du lịch đến với các đoàn vận động viên, phóng viên báo chí và du khách quốc tế", bà Đặng Hương Giang cho hay.

seagame-31-hoan-1649577489.jpeg
Linh vật Sao la của SEA Games 31

Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, để có thể khai thác tối đa cơ hội thu hút khách từ các hoạt động của SEA Games 31, thành phố Hà Nội đã chuẩn bị và triển khai các nhóm nhiệm vụ. Cụ thể, Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức chuỗi sự kiện du lịch đặc sắc, hấp dẫn trong thời gian diễn ra SEA Games 31, như: Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội (từ ngày 29-4 đến 1-5), Lễ hội du lịch Hà Nội (từ ngày 13-5 đến 15-5), Liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội (từ ngày 18 đến 22-5)… Đây sẽ là chuỗi sự kiện giới thiệu, quảng bá đến các đoàn vận động viên, các cổ động viên và đặc biệt là các phóng viên quốc tế về văn hóa, tiềm năng kinh tế, du lịch và mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước trong khu vực và thế giới.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với trung tâm xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố và các sở, ngành tổ chức quảng bá thu hút khách tới các sự kiện có tính chất quốc tế và các hoạt động chung của thành phố, như: Chương trình Happy Tet 2022; lễ hội du lịch, văn hóa, ẩm thực Hà Nội; festival nông sản, sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) gắn kết du lịch Hà Nội 2022; lễ hội ẩm thực, du lịch làng nghề Hà Nội...

Để chuẩn bị cho việc mở cửa du lịch, phát triển thị trường, Sở Du lịch cũng thực hiện nhiều công việc để xây dựng sản phẩm du lịch và nâng chất lượng sản phẩm du lịch. Bên cạnh đó, Sở Du lịch tiếp tục triển khai hướng dẫn bộ tiêu chí đánh giá điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025 cho UBND các quận huyện thị xã, các tổ chức cá nhân quản lý khu điểm tham quan du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Hiện nay, nhiều địa phương và đơn vị lữ hành của Hà Nội cũng chủ động xây dựng thêm các sản phẩm du lịch mới để sẵn sàng đón khách, phục hồi thị trường du lịch trong năm 2022 như: Huyện Mỹ Đức vốn có quần thể danh thắng Hương Sơn (chùa Hương) nổi tiếng; Thị xã Sơn Tây có phố đi bộ quanh Thành cổ; dọc đại lộ Thăng Long có chùa Thầy (huyện Quốc Oai), chùa Tây Phương (huyện Thạch Thất) đều là những Di tích quốc gia đặc biệt; trục đường 32 có đình Đại Phùng (huyện Đan Phượng), đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ)…

dl4-1649483236866666871027-1649575439.jpeg

Du khách nước ngoài tham quan đình Kim Ngân, Hoàn Kiếm. Ảnh: VGP/Minh Anh

Đáng chú ý, đánh giá tiềm năng du lịch khu vực ngoại thành Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, khu vực ngoại thành Hà Nội nhiều tiềm năng về du lịch văn hóa lịch sử, du lịch làng nghề, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch hội thảo - hội nghị... cần được phát huy.

Thứ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt cho rằng, để phục hồi du lịch, các địa phương, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết, chủ động tham gia chuỗi các giá trị toàn cầu. Đây là khoảng thời gian mà các địa phương, doanh nghiệp cần tận dụng và khai thác tối đa để nắm bắt thông tin, tìm kiếm cơ hội hợp tác và phát triển trong giai đoạn mới.

"Các địa phương, đơn vị cần quan tâm đến việc đầu tư, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, phát triển sản phẩm mới; cơ cấu lại thị trường khách sau dịch, đặc biệt là du lịch quốc tế; tăng cường liên kết tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp, điểm đến của các quốc gia trong khu vực…", ông Đoàn Văn Việt nhấn mạnh.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội với vai trò là trung tâm chính trị hành chính quốc gia, trung tâm văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế của cả nước, là một trong hai trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển du lịch của cả nước nói chung và của Bắc bộ nói riêng. Thời gian qua, du lịch Hà Nội tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí là ngành kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp hiệu quả vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô.

Do đó, Phó Chủ tịch UBND Thành phố mong muốn mỗi người dân Hà Nội nâng cao nhận thức, ý thức về đảm bảo an toàn phòng, chống dịch và xác định mỗi người dân Thủ đô là một tuyên truyền viên trong việc quảng bá hình ảnh văn hóa và con người Hà Nội nhằm thu hút ngày càng nhiều du khách trong nước và quốc tế.

Trong thời gian tổ chức SEA Games 31, thành phố Hà Nội xây dựng các tour du lịch đặc sắc, quảng bá điểm đến đối với các đoàn vận động viên, phóng viên báo chí và du khách quốc tế. 

Dự kiến trong quý II-2022, thành phố Hà Nội sẽ đón khoảng 3,2 triệu lượt khách, trong đó đón khoảng 3 triệu lượt khách nội địa và 150-200 nghìn lượt khách quốc tế. Đây sẽ là lượng khách rất quan trọng mà ngành Du lịch Thủ đô cần tận dụng, khai thác hiệu quả, qua đó đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển.

Phương Ly (t/h)