Theo tờ Daily Beast, các chiến lược gia quân sự và cố vấn quốc phòng hàng đầu cho rằng chiến tranh khí hậu là thực tế nhãn tiền, không phải là kịch bản xa xôi. Thế giới đang nói về tầm quan trọng của chống biến đổi khí hậu, nhưng cũng cần chuẩn bị kế hoạch cho các cuộc xung đột vì biến đổi khí hậu. Vậy chiến tranh liên quan khí hậu sẽ diễn ra thế nào, ở đâu?
Một số người cho biết họ đã có báo cáo học thuật nói rằng các cuộc xung đột gần đây là do hậu quả của biến đổi khí hậu gây ra. Một số cuộc chiến mới có thể nổ ra ở châu Á, châu Phi hoặc Bắc Cực. Hồi tháng 3, Hội đồng Đại Tây Dương cho rằng khi Nga và Trung Quốc tìm các tuyến đường biển mới thông qua vùng biển băng giá, không thể đi lại ở Greenland, Iceland và vòng Bắc Cực, có thể có một kỷ nguyên mới cạnh tranh giữa các cường quốc trên phạm vi toàn cầu và trong khu vực.
Anh và Mỹ đã phản ứng khi Trung Quốc và Nga tăng cường hoạt động, hiện diện quân sự và hải quân trong khu vực này. Gần đây, một tàu sân bay Mỹ cũng vào vòng Bắc Cực lần đầu tiên kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.
Trong khi đó, Matthew Rendall, giảng viên chuyên nghiên cứu biến đổi khí hậu và quan hệ quốc tế tại Đại học Nottingham, cho rằng có thế những nơi dễ xảy ra thảm họa như Syria hay Somalia sẽ trở thành chiến trường khí hậu. Ông nói: “Các nước này đã nóng rồi. Phần lớn các quốc gia cũng nghèo hơn rất nhiều. Hậu quả là họ có thể trải qua tình trạng thiếu thốn nguồn lực nghiêm trọng, tình trạng di cư ồ ạt và bất ổn chính trị liên miên. Hơn nữa, Trung Quốc và Nga có vũ khí hạt nhân. Họ có thể xung đột với Mỹ về Bắc Cực nhưng không thể gây Chiến tranh Thế giới thứ ba ở đây vì sẽ quá tốn kém”.
Theo một bài báo gần đây được công ty phân tích rủi ro chính trị Global Risk Insights xuất bản, có thể đã có lý do để nghĩ rằng bạo lực ở Somalia gắn với biến đổi khí hậu. Hàng triệu người Somalia đã bắt đầu đối mặt với mất an ninh lương thực sau khi xảy ra hạn hán liên tục từ năm 2011. Mặc dù nghiên cứu các cuộc xung đột trước đây chưa gắn các hậu quả này với tình trạng nhóm phiến quân al-Shabaab tăng hiện diện, nhưng bài báo cho rằng nhóm phiến quân này lợi dụng tình trạng mất an ninh lương thực để tuyển dụng thành viên mới là những người dễ bị tổn thương.
Lầu Năm Góc cũng đưa ra những nhận định gần giống hệt Global Risk Insights. Theo kế hoạch của Bộ Quốc phòng Mỹ đăng lần đầu hồi tháng 9 và công bố đầu tháng 11, có thể có thay đổi trong chính trị khu vực và địa phương để giảm nhẹ tình trạng thiếu nước và lương thực. Các điều chỉnh chính trị này có thể khiến các vụ khủng bố trên mạng và ngoài đời ngày càng tăng do bên thứ ba gây ra.
Năm 2015, nhóm nghiên cứu do ông Colin P. Kelley tại Đại học Columbia dẫn đầu đã đăng nghiên cứu kết luận rằng nội chiến ở Syria đã tồi tệ hơn do tình trạng hạn hán, sóng nhiệt liên quan biến đổi khí hậu và tranh giành tài nguyên, gây bất ổn kéo dài.
Tại Bangladesh, năm 2020, huyện Rangpur trải qua lũ lụt kinh hoàng nhất trong 60 năm. Huyện này cũng chứng kiến xung đột gia tăng giữa người Hindu và Hồi giáo. Trong vài tuần, ở Rangpur, các nhóm Hồi giáo đã phóng hỏa, tấn công hàng chục người Hindu trong lễ hội Durga Puja Hindu. Mối liên hệ giữa khí hậu và tình trạng bạo lực này chưa được đặt ra nhưng khí hậu biến đổi là điều mà người dân Bangladesh phải nghĩ tới.
Tại Đối thoại Quốc phòng Seoul, cuộc họp quốc tế của quan chức quân đội từ Đông Nam Á, Hàn Quốc và một số nước phương Tây, lần đầu tiên đã dành cả một Ủy ban để thảo luận về vấn đề khí hậu. Ông Sharron Burke, Chủ tịch công ty Nghiên cứu Quốc phòng Ecospherics, nhận định: Nếu chúng ta không sớm giảm khí thải, quân đội cần lên kế hoạch cho tình trạng mất an ninh sâu sắc, lên kế hoạch ngày càng nhiều sứ mệnh quân sự vào cuối thế kỷ này, hoặc có thể sớm hơn nến chúng ta đạt ngưỡng chịu đựng nào đó”.
Nhìn chung, trọng tâm của Đối thoại Quốc phòng Seoul không phải là nơi sẽ diễn ra xung đột mới mà là chiến lược tham gia các cuộc chiến trong điều kiện thời tiết thất thường, khó đoán.
Ông Jeff Colgan, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Brown, nhận định các nhà hoạch định chính sách quốc phòng Mỹ cũng đang thay đổi khi coi biến đổi khí hậu không chỉ là vấn đề đơn lẻ, một mối đe dọa mà còn đang thay đổi bức tranh chiến lược mà Mỹ đối mặt. John Kerry, đặc phái viên khí hậu của tổng thống Mỹ từng khẳng định Mỹ thời ông Joe Biden sẽ coi khủng hoảng khí hậu là mối đe dọa an ninh quốc gia cấp thiết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng đã tới lúc các lãnh đạo quân sự, đặc biệt là giới lãnh đạo quân sự Mỹ, phải bớt thời gian hoạch định kế hoạch chuẩn bị cho chiến tranh khí hậu, thay vào đó cần dành nhiều thời gian hơn để tìm cách ngăn chặn chiến tranh khí hậu./.