Động lực giúp ngành gỗ lấy lại đà tăng trưởng xuất khẩu đạt 20 tỷ USD vào năm 2025

Chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, chủ lực của Việt Nam. Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới.
trien-lam-ngoai-troi-01-1710128254.jpg
Lãnh đạo Trung ương, tỉnh Bình Định và các địa phương, cùng các hiệp hội, đối tác ngành gỗ trong nước và thế giới tham quan các gian hàng triển lãm tại Q- FAIR 2024. (Ảnh BTC)

Mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025

Hội chợ quốc tế hàng phong cách ngoài trời năm 2024 do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Định tổ chức, diễn ra từ ngày 9/3 đến hết ngày 12/3. Hội chợ quy tụ gần 100 doanh nghiệp trong và ngoài nước, trưng bày gần 1.000 gian hàng.

Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đây là hội chợ ngành gỗ đầu tiên được tổ chức tại Bình Định. Hội chợ là nơi gặp gỡ, quảng bá sản phẩm, trao đổi kinh nghiệm, nắm bắt cơ hội đầu tư, mở rộng thị trường của các doanh nghiệp ngành gỗ trong nước và quốc tế… hướng đến mục tiêu phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả, giai đoạn 2021-2030.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị khẳng định hội chợ lần này mở ra cơ hội để du khách quốc tế cũng như trong nước có thể nhìn nhận và trải nghiệm sự phát triển của ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.

Qua đó, giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản lấy lại đà tăng trưởng trong năm nay và các năm tiếp theo, thực hiện thành công mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD vào năm 2025.

Thứ trưởng cũng cho biết, ngành chế biến gỗ và lâm sản tạo việc làm cho 500.000 lao động làm việc trong các nhà máy; cải thiện đời sống cho hàng triệu hộ nông dân sinh sống tại các vùng nông thôn miền núi; góp phần bảo vệ, phát triển rừng bền vững, bảo vệ môi trường, chống phát thải khí nhà kính…

trien-lam-ngoai-troi-02-1710128285.jpg
Các sản phẩm đồ gỗ ngoại thất trưng bày tại Q-FAIR 2024.(Ảnh BTC)

Tại hội chợ, đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm gỗ đang trở thành ngành kinh tế quan trọng, chủ lực của Việt Nam. Mỗi năm, ngành gỗ Việt Nam xuất khẩu trung bình trên 10 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn thứ 5 thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Thị trường xuất khẩu đồ gỗ Việt Nam được mở rộng đến trên 140 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Q-FAIR 2024 là hội chợ chuyên đồ gỗ ngoài trời lần đầu tiên Việt Nam tổ chức, đánh dấu một bước tiến lớn trong việc kết nối và thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp gỗ. Q-FAIR 2024 quy tụ hơn 100 DN ngành gỗ trong và ngoài nước tham gia với gần 1.000 gian hàng, triển lãm các sản phẩm gỗ ngoại thất và phục vụ phong cách sống hiện đại.

Ông Lê Minh Thiện - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định, Trưởng Ban tổ chức Q-FAIR 2024, cho rằng không dừng lại ở việc quảng bá sản phẩm và thương hiệu, Q-FAIR 2024 còn mở ra những cơ hội hợp tác, tìm kiếm giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm, xây dựng những đối tác chiến lược để vượt qua khó khăn, không chỉ trên thị trường quốc tế mà còn trong môi trường kinh doanh nội địa, từ đó tạo nên những mối liên kết chiến lược và bền vững.

Thách thức và nỗ lực chuyển đổi xanh

Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, ngành gỗ đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức từ logistics, nguyên liệu, giá cả..., cạnh tranh thương mại khốc liệt. Một số thị trường chính về xuất khẩu gỗ, sản phẩm gỗ của Việt Nam ngày càng yêu cầu thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát nguồn gốc gỗ đảm bảo hợp pháp, sản xuất xanh nhằm giảm phát thải khí nhà kính; nhiều nước đang muốn bảo hộ nền sản xuất trong nước và đưa ra quy định khắt khe.

Rừng trồng gỗ lớn và chứng chỉ rừng bền vững (FSC) trở thành “câu chuyện nóng” của ngành gỗ Việt Nam. Chiều 10.3, thông tin tại hội thảo “Chứng nhận FSC CoC: Hành trang thiết yếu của DN ngành gỗ” cho hay, hiện cả nước có hơn 5.400 DN đầu tư vào sản xuất, chế biến đồ gỗ. Đến cuối năm 2023, có 1.654 DN có chứng chỉ FSC CoC.

Theo ông Phạm Đình Sức, chuyên gia đánh giá của Tổ chức Đánh giá chứng nhận uy tín hàng đầu tại Việt Nam KNA CERT, diện tích rừng có chứng chỉ FSC là khoảng 282.960 ha, chiếm khoảng 64% tổng diện tích rừng trồng tại Việt Nam, chủ yếu tập trung trong sản xuất đồ gỗ nội thất, viên nén và bột giấy.

“Việt Nam là quốc gia xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn trên thế giới. Hiện, với một số quốc gia phát triển, FSC là chứng chỉ bắt buộc nếu muốn đưa sản phẩm gỗ vào thị trường. Vì thế, ngành gỗ Việt Nam phải thay đổi, hướng tới mục tiêu phát triển nguyên liệu đảm bảo hợp pháp, nhằm thực hiện các cam kết và hành động vì mục tiêu net zero vào năm 2050 của Chính phủ tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26). Bên cạnh các yêu cầu từ các thị trường xuất khẩu lớn, việc sử dụng gỗ hợp pháp mà cao hơn là gỗ có chứng chỉ là hướng phát triển bền vững, dài lâu của ngành gỗ Việt Nam”, ông Sức nói.

trien-lam-ngoai-troi-03-1710128318.jpg
Sản phẩm gỗ trưng bày tại Triển lãm khiến nhiều người xem thích thú. (Ảnh BTC)

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Quốc Trị đề nghị: Các hiệp hội ngành gỗ và DN phải thống nhất quan điểm, để nâng cao giá trị sản phẩm thì phải tích hợp đầy đủ giá trị của sản phẩm đó. Hiện, các DN chế biến gỗ chưa phải thực hiện đo đếm lượng phát thải khí carbon, nhưng rất có thể trong tương lai không xa, các DN cũng phải thực hiện. Làm sao để giảm phát thải nhiều nhất và mang lại giá trị cao nhất? Việc này, ngay từ bây giờ, DN cần chủ động liên kết với người trồng rừng, để có nguyên liệu chủ động và tích hợp đa giá trị. Đồng thời, các DN cần kịp thời thông tin về các quy định, chia sẻ kỹ năng để có thể tránh được các rủi ro.

“Các DN chế biến đẩy mạnh liên kết với người trồng rừng, với các chủ rừng để phát triển rừng gỗ lớn. Việc này không chỉ người trồng rừng được hưởng lợi mà các DN cũng có thể chủ động được nguồn nguyên liệu hợp pháp, có chứng chỉ, có nguồn gốc”, Thứ trưởng chia sẻ.

Q-FAIR 2024 là kênh xúc tiến thương mại - xuất khẩu hiệu quả giúp các DN ngành gỗ có cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm, là điểm hẹn của sự sáng tạo, đổi mới để các DN có thể tận dụng cơ hội này tìm kiếm những giải pháp tích cực, kết nối với đối tác tiềm năng và cùng nhau đưa ngành công nghiệp gỗ của Việt Nam vượt qua mọi thách thức, vươn tới những đỉnh cao mới trên thị trường quốc tế./.

“Tôi tin tưởng Q-FAIR 2024 sẽ là kênh xúc tiến thương mại hiệu quả; tạo ra nhiều kết nối, giao lưu, hợp tác đưa hình ảnh gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đến với khách hàng trên toàn thế giới, và thu hút khách hàng đến với gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam; giúp ngành chế biến gỗ và lâm sản lấy lại đà tăng trưởng trong năm 2024, thực hiện thành công mục tiêu xuất khẩu 20 tỷ USD lâm sản vào năm 2025 của Đề án phát triển ngành công nghiệp chế biến gỗ bền vững, hiệu quả giai đoạn 2021 - 2030. Bộ NN&PTNT cam kết luôn đồng hành cùng các DN, hiệp hội” - Ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT.

Bình Nguyên