Độc đáo lễ hội làng Kẻ Đơ

Hàng năm, cứ từ mùng 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, người dân làng Triều Khúc (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội) lại thành kính, tự hào tổ chức lễ hội truyền thống tưởng nhớ anh hùng dân tộc Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng. Trong lễ hội có rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc được bảo tồn. Tiêu biểu là điệu múa trống bồng - điệu múa cổ do trai làng đóng giả làm con gái, má phấn, môi son, đầu chít khăn mỏ quạ, mặc váy nhiễu đen với những dải màu ngũ sắc, vỗ trống trong những điệu múa lả lơi, nhí nhảnh đầy duyên dáng…

Theo đó, làng Triều Khúc, tên Nôm là Đơ Thao hay Kẻ Đơ, Tên gọi "Đơ Thao" xuất phát từ việc làng có nghề dệt quai nón (quai thao) từ lâu đời. Triều Khúc là một làng cổ. Trên gò Cây Táo ở cánh đồng Miễu của làng, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy di chỉ khảo cổ học với 140 hiện vật đá, gốm thuộc Văn hóa Phùng Nguyên cách ngày nay trên dưới 3.500 năm.

le-hoi-ke-do-1-1682825519.JPG
Độc đáo lễ hội làng Kẻ Đơ. Ảnh Anh Đức

Lễ hội làng Triều Khúc diễn ra từ ngày 9 đến 12 tháng Giêng hàng năm, nhằm tưởng nhớ vị Thành hoàng là Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng (770 - 798) và ông Vũ Đức Úy (sống vào thế kỷ 18) – người đã truyền lại nghề dệt cho dân làng. Tại đây, diễn ra các nghi thức lễ rước long bào, triều phục của Vua Phùng Hưng từ đình Thờ Sắc về Đại Đình; rước kiệu; rước sắc Phùng Hưng mang ý nghĩa mời thánh nhân về ngự tại đại đình, mừng Ngài đăng quang, tạ ơn ngài đã ban cho dân làng một cuộc sống ấm no, an lành. 

Lễ hội làng Triều Khúc được đánh giá vẫn giữ được nét đẹp truyền thống. Điểm nhấn thu hút đông đảo du khách thập phương và dân làng đến tham dự chính là điệu múa dân gian truyền thống độc đáo có một không hai mang tên "con đĩ đánh bồng" - sản phẩm văn hóa độc đáo và là niềm tự hào lớn của dân làng Triều Khúc.

Điệu múa “con đĩ đánh bồng” là 1 trong 10 điệu múa dân gian xưa độc đáo của kinh thành Thăng Long. Từ "đĩ" trong điệu múa này không phải một từ mang ý nghĩa tiêu cực. Nó chỉ dùng để ám chỉ những người con trai giả dạng nữ nhân. Cũng bởi vì thấy những nam nhân giả gái, múa may quá lả lơi mà nhà vua Phùng Hưng gọi họ là những "con đĩ". Dù từ này ngày nay được dùng như một câu chửi tục hay ám chỉ những người phụ nữ không đứng đắn hoặc nói về những người phụ nữ làm nghề "bán hoa", tuy nhiên trong điệu múa "con đĩ đánh bồng" lại không hề có phụ nữ. Bởi thế, người làng Triều Khúc vẫn quyết định giữ lại tên gọi cũ của điệu múa dân gian xưa độc đáo này.

le-hoi-ke-do-4-1682825519.JPG
Điệu múa “con đĩ đánh bồng”. Ảnh Anh Đức

Tương truyền, vào thế kỷ thứ 8, vua Phùng Hưng tập hợp các nghĩa sĩ tại làng Triều Khúc để bao vây đạo quân nhà Đường. Để động viên tướng sĩ, làm giảm nỗi nhớ nhà, nhớ gia đình, nhớ người thân và cũng để giải trí cho nghĩa quân, nhà vua đã cho chọn ra những binh lính trắng trẻo, thư sinh, khôi ngô, tuấn tú đóng giả làm con gái, ăn mặc sặc sỡ và đeo trống múa bồng. Kể từ đó, hàng năm vào mùa xuân, từ ngày 9 đến 12 tháng Giêng Âm lịch, dân làng Triều Khúc duy trì truyền thống tổ chức lễ hội rước Thành Hoàng Phùng (Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng) với điệu múa dân gian "trống bồng", hay còn gọi là “con đĩ đánh bồng”.

Về cơ bản, điệu múa đánh bồng mang ý nghĩa chúc tụng nhà vua, điệu múa này bao gồm những động tác khá đơn giản nhưng cực kì phóng khoáng, dứt khoát mạnh mẽ, nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt. Chỉ có mấy động tác đơn giản như xoay tròn, dựa lưng, úp mặt vào ngực nhau nhưng rất kiểu cách, mềm mại, uyển chuyển và đầy nữ tính. 

Trong mỗi lần múa, ít nhất phải có 6 "con đĩ" thực hiện điệu múa trống bồng, những người còn lại sẽ tranh thủ nghỉ ngơi để sẵn sàng thay thế những người múa chính. Họ đều được lựa chọn cẩn thận từ các thanh niên trai tráng trong làng, mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, trắng trẻo, thư sinh, tươi tắn, ngoan ngoãn, con nhà gia giáo.

le-hoi-ke-do-2-1682825519.JPG
Lễ hội làng Triều Khúc diễn ra từ ngày 9 đến 12 tháng Giêng hàng năm. Ảnh Anh Đức

Các chàng trai giả gái mặt hoa da phấn, động tác uyển chuyển, mềm mại, xúng xính trong áo tứ thân, váy đụp, đeo bông tai, chít khăn mỏ quạ và mỗi người đeo một cái trống bồng nhỏ sơn màu đỏ trước ngực, nhảy những điệu múa cực kỳ lả lơi, mềm mại, uyển chuyển, quấn quýt bên nhau. Mắt lúng liếng đưa tình, miệng cười xinh trong những bước nhảy linh hoạt, những chàng trai giả gái thướt tha, lả lơi trong từng động tác múa hòa cùng nhịp trống dồn dập lôi cuốn khiến người xem vô cùng thích thú.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc như múa rồng, múa lân, múa sênh tiền, múa chạy cờ cũng được diễn ra trong lễ hội.

Có thể nói, lễ hội làng Kẻ Đơ -Triều Khúc để lại ấn tượng tốt đẹp trong công chúng và du khách nhờ giữ được nguyên vẹn các nghi thức tôn nghiêm, độc đáo, các trò vui, dân gian, những màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc, tôn vinh các giá trị lịch sử dân tộc…

Anh Đức