Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2023 sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc

Sáng nay 14/4, tại TP. Phan Rang - Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức họp báo, thông tin về những nội dung liên quan đến việc tỉnh sẽ tổ chức lễ hội Nho - Vang năm 2023.

Tỉnh Ninh Thuận là nơi nổi tiếng về trồng nho, nho trồng ở Ninh Thuận có hương vị đặc trưng riêng được người tiêu dùng trong cả nước ưa chuộng. Nho Ninh Thuận được nhiều người yêu thích như vậy là nhờ có các tính chất, chất lượng đặc thù, khác biệt so với các loại nho khác.

Theo Ban Tổ chức, Lễ hội Nho - Vang là lễ hội truyền thống của tỉnh, được tổ chức 2 năm/1 lần, nhằm tôn vinh những giá trị kinh tế mà cây nho mang lại cho địa phương; tạo cơ hội giao thương giữa người trồng nho, người sản xuất, người tiêu dùng với các sản phẩm chế biến từ nho. Qua đó, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về kinh tế nông nghiệp gắn với văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững.

nho-1681463776.jpg
Ảnh minh họa.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng tổ chức lễ đón nhận Bằng công nhận Nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Sự kiện trên đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố là 1 trong 10 sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trong năm 2022. Việc tổ chức đón nhận Bằng công nhận của UNESCO sẽ tạo sự lan tỏa đến nhân dân, du khách nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, các cấp, ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản văn hóa phi vật thể “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.

Được biết, Ninh Thuận hiện có 1.060ha nho với sản lượng 265.000 tấn/năm. Trong dịp diễn ra lễ hội, ngành nông nghiệp chọn hơn 22ha nho của các sơ sở sản xuất tại các huyện Ninh Phước, Ninh Hải và Ninh Sơn để du khách đến tham quan. Đồng thời, nhiều cơ sở chế biến sản phẩm từ nho, trong đó có rượu vang cũng giới thiệu quy trình chế biến trong dịp này.

Lễ hội Nho - Vang Ninh Thuận năm 2023 và đón nhận Bằng công nhận Nghệ thuật làm gốm của người Chăm - Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp (do UNESCO ghi nhận) diễn ra từ ngày 13 - 18/6; trong đó, lễ khai mạc sự kiện được tổ chức tối 16/6 và lễ bế mạc tối 18/6 tại Quảng trường - Tượng đài 16 tháng 4, TP. Phan Rang - Tháp Chàm.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Văn Hòa cho biết, trong khuôn khổ 2 sự kiện, sẽ diễn ra chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch sổi nổi, đặc sắc, mới lạ, mang thế mạnh đặc trưng, khác biệt của tỉnh.

Theo đó, 12 hoạt động cấp tỉnh sẽ diễn ra dịp này là: Hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung Bộ - Ninh Thuận 2023; lễ hội ẩm thực; chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố; chương trình nghệ thuật; hội thảo phát triển giá trị cây nho và sản phẩm từ nho; hội thảo bảo tồn và phát huy giá trị “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”; hoạt động tham quan trải nghiệm vườn nho, làng gốm Bàu Trúc, dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp và hành trình khám phá khu dự trữ sinh quyển thế giới Núi Chúa; thi giàn nho đẹp; giải đua xe đạp đường trường Ninh Thuận - Bình Thuận; giải đua xe ô tô - mô tô địa hình trên cát Ninh Thuận - Bình Thuận mở rộng; hội thi nét đẹp văn hóa các dân tộc Ninh Thuận lần thứ II/2023 và chương trình nghệ thuật bế mạc lễ hội.

Tại các huyện, thành phố trong tỉnh cũng diễn ra nhiều hoạt động, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, hấp dẫn mang tính đặc trưng, độc lạ của các địa phương trong tỉnh.

"Sắp tới chúng tôi sẽ mời tất cả các doanh nghiệp du lịch, nhất là các cơ sở lưu trú, các điểm tham quan du lịch của tỉnh về để làm việc trên tinh thần không nâng giá, không có tình trạng chặt chém. Thêm nữa là chương trình kích cầu, bằng cách gia tăng các dịch vụ tặng kèm, nhưng không tăng giá phòng, giá tour tuyến để thu hút khách", ông Hòa thông tin thêm./.

Ánh Dương (t/h)