Doanh nhân Bùi Đức Minh và hành trình chuyển đổi số trong ngành công nghiệp

Doanh nhân Bùi Đức Minh khởi nghiệp trong một ngành nghề rất nhiều thách thức đó là lĩnh vực IoT và AI, số hoá và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp. Ông là người sáng lập Công ty TNHH Công nghệ MIND (MIND) và đưa công ty từng bước phát triển đi lên. MIND hiện đã có các văn phòng tại miền Nam (TP. HCM), miền Bắc (Hà Nội) và miền Trung (Đà Nẵng).
mind-1-1706858851.jpg
Đội ngũ MIND trong ngày ra mắt "Dịch vụ - Giải pháp IoT số hóa và chuyển đổi số sản xuất”.

Bình minh của ngành IoT Việt Nam

Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đang thay đổi cơ bản các hoạt động sản xuất kinh doanh và cách vận hành của nhiều doanh nghiệp. Thời đại sắp tới của chúng ta chính là sự pha trộn của nhiều công nghệ như: Internet vạn vật (IoT), Blockchain, Big Data, Robot học và Trí tuệ nhân tạo (AI). Thời đại công nghệ đang phả hơi nóng vào guồng quay và sự vận hành của nhiều doanh nghiệp ở nhiều ngành nghề. Đây cũng là thị trường tiềm năng cho các công ty công nghệ tham gia nghiên cứu, phát triển các ứng dụng, trong đó có MIND. 

Thời đại công nghệ và công nghệ IoT, AI đang dẫn đường, bao trùm lên toàn bộ cuộc sống của chúng ta ngày nay. Chúng ta có thể thấy một chiếc xe hơi với bộ cảm biến dò đường, tự đi, một bóng đèn có thể tự sáng tối theo thời gian thực, một máy phun nước tự động tưới tiêu theo giờ, một con vật được gắn chip theo dõi, tiện cho việc chăm sóc khi người chủ đi xa...vv. Đây chính là các loại thiết bị IoT trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống. 

Một đồ vật trong IoT được xem là bất kỳ vật thể tự nhiên hay nhân tạo nào mà ở đó được gán một địa chỉ IP, có khả năng truyền dữ liệu thông qua mạng lưới. Từ đó chúng ta có thể kiểm soát đồ vật ấy bằng các thiết bị thông minh như: Smartphone, Tablet, PC hay thậm chí chỉ bằng một chiếc smartwatch nhỏ bé đeo ở trên tay. Việc kết nối này được thực hiện qua mạng internet băng thông, điện toán đám mây và các giao thức kết nối khác nhau. IoT rõ ràng sẽ là tương lai của thế giới!. 

Công nghệ AI (Trí tuệ nhân tạo) cũng là xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thương mai, dịch vụ. Tuy nhiên, xu thế này chỉ mới bắt đầu được quan tâm và đón nhận một cách khiêm tốn tại Việt Nam. Đây chính là buổi bình minh của công nghệ IoT, AI tại Việt Nam. Các hoạt động khởi nghiệp trong ngành này cũng khá lặng lẽ so với nhiều ngành nghề khác. Mặc dù, chúng ta đang nói nhiều về cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà cốt lõi là công nghệ IoT, AI, nhưng thật ra chúng ta đang ở vị trí rất thấp trên con đường này. Thậm chí điểm cơ bản nhất là đào tạo nguồn nhân lực ngành cũng hoàn toàn vắng bóng ở các giảng đường đại học.

Vài năm trở lại đây, một số trường đại học mới bắt đầu triển khai phân khoa về IoT, AI. Hầu hết những người làm IoT, AI ở Việt Nam đều lấy từ nguồn kỹ sư ngành điện tử, kỹ thuật máy tính, vật lý, toán tin được doanh nghiệp đào tạo lại để sử dụng vào làm IoT, AI. Các đơn vị khởi nghiệp trong ngành đang phải xoay sở chật vật trong điều kiện vô cùng hạn chế về nhiều mặt để đảm bảo cho các hoạt động của mình thông suốt. Trong khi đó, thị trường Iot, AI nhiều lúc, nhiều nơi vẫn chưa thực sự sẵn sàng. Áp lực công việc rất lớn nên đây không phải là con đường dễ đi nhưng doanh nhân Bùi Đức Minh lại chọn dấn bước trên con đường này. Ông đã theo đuổi nó một cách bền bỉ, kiên trì trong nhiều năm qua!.

Kiên trì vượt khó

mind-2-1706858851.jpg
Kỹ sư MIND tư vấn cho Khách hàng - Đối tác về sản phẩm Công nghệ 4.0 trong Nhà máy - Sản xuất do chính MIND tạo dựng.

Từ bỏ vị trí quản lý ở một công ty nước ngoài, từ bỏ cả công việc đang giảng dạy ở một trường đại học, ông Bùi Đức Minh theo đuổi con đường lập nghiệp. MIND được ông thành lập năm 2013. Ban đầu ông tạo dựng một xưởng nhỏ sản xuất các thiết bị IoT phục vụ trong lĩnh vực số hóa sản xuất tại Đà Nẵng. Phát triển các gói giải pháp số hóa và chuyển đổi số sản xuất, công nghệ IoT, AI cho một số doanh nghiệp sản xuất và nhà máy trên địa bàn các tỉnh miền Trung. Có điều ông không lường trước được công việc này lại rất khó triển khai trên thực tế. Ông đã tiêu toàn bộ số tiền dành dụm, tích cóp trong 20 năm của mình cho MIND chỉ sau 02 năm thành lập.

Nhưng khó khăn vẫn liên tục đeo bám, doanh thu rất thấp vì giá trị các dự án nhận được không cao. Việc tìm dự án lại gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí nhiều lúc rơi vào tình trạng bế tắc. Mặc dù ông rất kiên nhẫn đi tìm các chủ doanh nghiệp và chủ động đề nghị, đưa ra demo, làm trước, thanh toán sau, hoặc làm hòa vốn, đôi khi lỗ một chút cũng vẫn nhận việc, tạo niềm tin cho họ, mong có các hợp đồng gối đầu kế tiếp, nhưng công việc vẫn không tiến triển được là bao. 

Thậm chí có giai đoạn để có tiền hoạt động, ông phải liên tục phải xoay xở, giật gấu vá vai, mượn tiền chỗ này một chút, chỗ kia một chút để làm. Có lúc thu không đủ chi nên phải liên tục vay mượn thêm anh em, bạn bè, người thân. Thi thoảng ông không trả đúng hẹn hoặc không thể trả được, do nguồn thu kẹt lại theo nhiều cách mà ông không thể hình dung ra trước đó. Với một người trọng danh dự, từng đứng ở vị trí quản lý ở các tập đoàn lớn, công ty đa quốc gia, việc vay mượn khiến ông rơi vào trạng thái ngại ngùng, xấu hổ nhưng không còn lựa chọn nào khác. Thương hiệu công ty còn quá mới mẻ nên gọi vốn không được mà vay ngân hàng cũng không xong, vay mượn là việc bắt buộc phải làm. 

Có nhiều thời điểm doanh nghiệp cạn tiền tới mức ông buộc phải đem ô tô ra tiệm cầm đồ lấy tiền trả lương cho anh em công nhân viên trước, tìm cách xoay sở cho mình sau. Có những lúc, sau khi trả hết các khoản chi phí, lương nhân viên, tài khoản còn lại duy nhất một triệu đồng. Đôi khi trả lương xong, các khoản chi tiêu thiết yếu trong gia đình, thậm chí tiền đóng học cho con cũng không còn, ông đành phải trông chờ vào sự xoay sở của vợ.

Trong những chuyến đi công tác Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, hay đi các tỉnh thành khác, ông thậm chí không thể mua vé máy bay mà đi xe giường nằm xuyên Việt để tiết kiệm tiền, trú tạm tại các quán cafe 24/7 qua đêm khi đã hết tiền thuê khách sạn. Có lần ra Hà Nội, ông vào một quán cà phê, định ngồi làm việc xuyên đêm, nhưng các quán cà phê ở Hà Nội không giống với các quán ở TP Hồ Chí Minh có thể thức xuyên đêm ở đó. Cà phê ở Hà Nội thường đóng cửa trước 23h đêm. Vậy là hôm đó ông phải qua đêm ngoài vỉa hè. Mệt mỏi vô cùng nhưng ông vẫn phải ăn mặc tươm tất để gặp khách hàng vào sáng hôm sau.

mind-3-1706858851.jpg
Ông Bùi Đức Minh trao đổi trực tiếp với đội ngũ kỹ sư vận hành Nhà máy sản xuất.

Đây chỉ là vài câu chuyện nhỏ mà ông kể cho tôi nghe. Ông nói, trên thực tế những khó khăn vất vả mà ông từng trải qua có thể viết thành một cuốn sách khởi nghiệp. Tôi cảm thấy ông có một sức mạnh nội lực phi thường, sức chịu đựng dẻo dai và sự nhẫn nại lớn lao để đương đầu với tất cả thử thách. Đây thực ra là điều không hề dễ dàng với một người mà trước đây chưa từng phải đương đầu với những công việc vụn vặt hàng ngày. Mọi thứ ông làm trước đó đều mang tính hệ thống vận hành từ trên xuống dưới, có nhân viên thừa lệnh, hỗ trợ, giúp đỡ còn khi đó, ông phải làm tất cả!. 

Nhưng ông đã rất cần mẫn, chăm chỉ, liên tục đi lại, xục xạo khắp nơi để tìm dự án. Gắng làm tất cả mọi thứ trong khả năng của mình để tìm đường thoát khỏi những khó khăn đang liên tục bủa vây. Ông nói, lúc đầu có những phần việc nhỏ khoảng vài chục triệu, ông vẫn phải nhận, miễn sao có việc cho anh em làm là tốt rồi. Đồng thời nuôi dưỡng nguồn thu, mở rộng công việc. Sau này khi các mối qua hệ và mạng lưới được thiết lập lớn dần, các hợp đồng lớn mới tới. Kiên trì vẫn chính là thượng sách!. 

Trong quá trình làm việc với các đối tác, ông luôn duy trì mối quan hệ chân thành, tin tưởng lẫn nhau, luôn tìm cách đi sâu đi sát với dự án. Thậm chí họp giao ban hàng tuần để lãnh đạo hai bên nắm được công việc và tiến độ thực hiện dự án. Đồng thời kèm cặp nhân viên phía đối tác có khả năng nắm vững qui trình ngay từ lúc bắt đầu tới lúc kết thúc, bàn giao công việc tận tình, chu đáo. Đồng hành với họ trong mọi hỗ trợ cần thiết ngay cả khi dự án đã kết thúc. Sự tin tưởng này được thiết lập nên khi có công việc mới, các đối tác cũ lại gọi cho ông. Tiếng lành đồn xa, nhiều doanh nghiệp khác trong cộng đồng doanh nghiệp đã tìm tới ông đặt hàng những dự án có giá trị lớn gấp nhiều lần. Có những đối tác xây dựng đến nhà máy thứ năm trong hệ thống của họ, họ vẫn tin tưởng làm việc với ông và MIND.

Có một thực tế là, trái ngược với những ngành công nghiệp khác, IoT và AI hiện nay chưa được nhìn nhận như là một ngành độc lập. Chúng đòi hỏi sự chuyên môn hóa ở nhiều lĩnh vực khác nhau, mới đủ các kiến thức vận dụng tối ưu cho từng dự án khác nhau, của từng doanh nghiệp khác nhau. Thêm vào đó, mọi người thường nghĩ rằng, chỉ có doanh nghiệp nước ngoài lớn mới đủ tầm làm dự án lớn. Họ có xu hướng không tin tưởng các doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam. 

Nhưng các doanh nghiệp lớn, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài cũng có những hạn chế nhất định. Có thể sẽ không thể hiểu hết về quy trình ngành hay đặc thù của các hoạt động sản xuất tại Việt Nam. Thường đưa ra các giải pháp “lệch pha” với doanh nghiệp Việt, rất khó ứng dụng. Thậm chí nếu có ứng dụng thì cũng mất rất nhiều thời gian mà hiệu quả lại không cao. Tính hiệu quả và sự phù hợp vẫn là điều quan trọng nhất. Doanh nghiệp vì thế khi chuyển đổi số, cần phải tìm được một đơn vị tư vấn phù hợp. Với 20 năm trong nghề và gần chục năm khởi nghiệp nên sự nghiệp của ông Minh chắc chắn sẽ rất hữu ích cho các doanh nghiệp Việt ở qui mô lớn nhỏ khác nhau. 

Trên thực tế, các doanh nhân đều trưởng thành nhờ những gánh nặng lo toan mà họ dám gánh vác đương đầu và lòng dũng cảm mà họ đã thể hiện, ông Minh cũng vậy. Trải qua những bước thăng trầm nên giờ đây ông đã bình thản hơn rất nhiều, không còn cảm thấy mông lung như những ngày đầu. Mặc dù MIND còn phải cố gắng rất nhiều, vì đơn vị chỉ vừa mới bước qua các khó khăn còn một hành trình dài ở phía trước. Cần thêm thời gian để MIND thực sự trở nên vững mạnh hoàn toàn. Nhưng ông đang có niềm tin lớn vào tương lai của MIND. Thêm vào đó, mỗi bước đi của MIND giống như tạo ra những viên gạch lót đường để mở rộng ngành IoT, AI  tại Việt Nam trong lĩnh vực số hóa và chuyển đổi số sản xuất khiến ông rất tự hào. Ông từng nói, nếu cho ông chọn lại, ông vẫn chọn đi con đường này!.  

mind-4-1706858851.jpg
Ông Bùi Đức Minh thuyết trình trong hội thảo “Chuyển đổi số trong ngành sản xuất” ngày 7/7/2023 do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC) phối hợp với VINASA tổ chức.

Mọi người đều nghĩ doanh nhân làm việc trước hết là tiền, điều ấy đúng là sự thật nhưng không phải là tất cả. Mỗi doanh nhân trong hành trình dấn thân của mình đều có xuất phát điểm và những động lực hoàn toàn khác nhau. Việc phát triển doanh nghiệp để đi đường dài, đương nhiên tính hiệu quả vẫn phải đặt lên hàng đầu “có thực mới vực được đạo”. Nhưng nếu ai đã từng gắn bó với ngành IoT, AI mà nghĩ quá ngắn, chắc chắn không thể trụ lại trong ngành. Với cá nhân ông Minh, nếu chỉ cần tiền thì cứ tại vị ở các tập đoàn nước ngoài, lương tháng, nhà cửa, xe cộ, chắc sẽ không thiếu, các lựa chọn cũng nhẹ nhàng hơn. Có điều niềm đam mê công nghệ đã dẫn ông sang một lối đi khác. Ông muốn làm một việc gì đó sát với thực tế mà các doanh nghiệp Việt đang cần; MIND trở thành tình yêu và niềm tin chắp cánh cho ông làm điều đó một cách tốt nhất!.

Lớn mạnh dần theo thời gian

Đến nay MIND đang có một hệ sinh thái các giải pháp - sản phẩm - dịch vụ đa dạng trong lĩnh vực Chuyển đổi số sản xuất : IoT số hóa nhà máy, giám sát hiệu suất máy móc – năng lượng – bảo trì thiết bị - giám sát chất lượng - kho thông minh... theo thời gian thực, ứng dụng AI xử lý phát hiện tự động lỗi sản phẩm và phân tích dữ liệu sản xuất, hệ thống thực thi sản xuất thông minh (MES 4.0), hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp sản xuất (ERP 4.0) và hệ thống quản trị chiến lược thông minh (BI).... Tất cả đều được làm từ niềm tự hào vì “Made in Vietnam, Make by MIND” - một thông điệp từ MIND.  

Đơn vị này đang tạo ra một không gian rộng lớn hơn cho các hoạt động IoT trong các ngành công nghiệp khác nhau tại Việt Nam. Ngoài các giải pháp phần mềm thì MIND cũng triển khai cả các thiết bị phần cứng IoT chất lượng cao, chuẩn công nghiệp theo tiêu chuẩn Việt Nam và được sản xuất bởi MIND.  Ngoài việc ứng dụng và triển khai công nghệ IoT của các hãng công nghệ nổi tiếng từ nước ngoài vào Việt Nam. MIND cũng tự xây dựng đội ngũ kỹ sư, chuyên gia riêng của doanh nghiệp nhằm tự thiết kế, sản xuất các thiết bị IoT do chính MIND sản xuất, phát triển công nghệ mang thương hiệu riêng của MIND. 

Nhưng việc tạo ra một sản phẩm IoT không hề đơn giản, mất rất nhiều chất xám, thời gian, công sức và tiền bạc. Và ngay cả khi đã thành công rồi thì quá trình thương mại hóa sản phẩm cũng không hề đơn giản. Các bước đi ở các đơn vị công nghệ như MIND quả thực là rất lắm gian nan. Thành công trong ngành công nghệ IoT, Al phải tính đến rất nhiều yếu tố. Đây không phải là công việc thuần túy mà ai cũng có thể làm được và ai cũng có thể thành công!. Nhưng nếu thấy khó mà ai cũng không làm, liệu rồi đất nước chúng ta sẽ đi về đâu, trong công cuộc hội nhập với thế giới về nhiều mặt như vậy. Vì thế thành công hiện tại của MIND trở nên rất có ý nghĩa. 

Thành công ấy trước tiên thuộc về người “thuyền trưởng” Bùi Đức Minh. Khi ông đã rất kiên trì với sự lựa chọn của mình, “chèo thuyền, vượt sóng ” trong nhiều năm qua. Nhưng thành công ấy cũng là công sức chung của cả một tập thể, những người đang làm việc tại MIND. Những người đã gắn bó trong doanh nghiệp này nhiều năm qua hay các bạn trẻ mới đang bước vào nghề, dưới mái nhà chung “Công nghệ MIND”. Họ đang được làm việc trong một đơn vị thực chiến như MIND thì sẽ trưởng thành nhanh hơn. Điều ấy không những tốt cho doanh nghiệp mà còn tốt cho cả cộng đồng chung IoT, AI tại Việt Nam. 

mind-6-1706858851.jpg
Doanh nhân Bùi Đức Minh.

   
Theo đuổi khởi nghiệp trong các dự án IoT, AI trong lĩnh vực Công nghiệp – Sản xuất vốn đã khó. MIND lại theo đuổi sản xuất kinh doanh theo trục dọc, làm từ sản xuất đến kinh doanh, từ phần mềm tới phần cứng, từ giải pháp đến thiết bị là không hề dễ dàng. Nhưng những cố gắng của ông Minh và tập thể người lao động tại MIND đã và đang được đền đáp. Hiện có rất nhiều khách hàng trong ngành công nghiệp khác nhau như Giấy và Bao bì, sản xuất Nhựa, Gỗ và Nội thất, sản xuất Vật liệu Xây dựng, Chế biến Thực phẩm và Nước giải khát, Luyện kim và Thép, Cơ khí, Dệt may, Thủy sản, sản xuất hàng Điện tử, Dược phẩm, Phân bón và Hóa chất, Cao su, các Nhà máy điện (nhiệt điện – thủy điện và năng lượng tái tạo), Khu công nghiệp thông minh...đang cần tới MIND trong các dự án của họ. Đơn vị cũng đã hoàn thành nhiều dự án lớn, chứng minh được năng lực và thực lực của mình tại các đối tác lớn như: Tập đoàn SCG, Mobifone, VieSky, Prime, Yokogawa… và nhiều các khách hàng lớn nhỏ khác.

Với thành công trong công tác sản xuất kinh doanh, ông Minh cũng đang tính đến phương án hình thành một trung tâm đào tạo nhân sự cho ngành. Đây là bước đi cần phải tính toán kĩ lưỡng hơn. Nhưng điều này cũng rất hợp lý với một doanh nhân đã từng làm công tác giảng dạy trong trường đại học như ông. Tôi tin là ông sẽ sớm hoàn thành nguyện vọng mới này của chính mình!.

Trên thực tế, ngành IoT, AI công nghiệp đang phát triển mạnh mẽ do nhu cầu chuyển đổi số trong các doanh nghiệp Việt đang tăng cao. Nhưng chúng ta lại thiếu những người hiểu biết về hệ thống để phát triển, kiểm định sản phẩm từ đầu đến cuối đưa nó ra thị trường, đúng với nhu cầu của phần đông các doanh nghiệp Việt đang cần. Nói cách khác, Việt Nam đang thiếu các nhân sự cấp cao về phát triển IoT và AI. Vì thế những tài năng như ông Minh sẽ đóng góp thiết thực vào sự phát triển của ngành. Sự phát triển và lớn mạnh của MIND cũng như các đơn vị ngành sẽ góp phần thúc đẩy dòng chảy chuyển đổi số tại Việt Nam nhanh hơn, thiết thực và hiệu quả hơn. 

Tự động hóa và công nghệ IoT, AI đang trở thành chìa khóa cho sự phát triển của nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt trong ngành sản xuất công nghiệp vốn được coi là xương sống của nền kinh tế, IoT, Al đang bùng nổ trên toàn cầu và tại Việt Nam cũng vậy. Đặc biệt sau đại dịch, thị trường IoT, AI trở nên sốt nóng hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp trong nước cũng đang ý thức được sức mạnh của công nghệ trong việc cải tiến sản xuất, nâng cao năng lực, từ đó tích cực bước vào dòng chảy chuyển đổi số, hòa cùng thời đại. 

Chuyển đổi số sản xuất là con đường bắt buộc phải đi trong tương lai, không có lựa chọn khác, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau. Đây chính là thị trường cho MIND tiếp tục phát triển lớn mạnh và bền vững hơn. Trong vài năm tới, thị trường IoT, AI Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng rất mạnh mẽ, có thể gấp 3 lần so với hiện tại. Điều này có được là nhờ vào thực hiện hóa cam kết Net Zero vào năm 2050 và việc đẩy mạnh xuất khẩu của nhiều ngành nghề. Đòi hỏi tự động hóa và IoT, AI phải vào cuộc nhằm nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng với nhu cầu mới của thị trường trong và ngoài nước. 

Nhìn vào hành trình đã qua của doanh nhân Bùi Đức Minh mới thấy. Trong khởi nghiệp nhiều khi cũng cần một quyết định dũng cảm, sự lựa chọn kiên định và cả sự kiên trì vô song mới có thể chạm tới thành công. Mọi sự sẽ tốt hơn nhờ vào tài năng và sự dấn thân miệt mài của mỗi doanh nhân. Sự sáng suốt, rõ ràng và cách thức đúng sẽ tới, chỉ khi chúng ta thực sự hành động và hành động quyết liệt và con đường đi của doanh nhân Bùi Đức Minh đã chứng minh cho sự thật này!./.

Hà Thanh