Doanh nghiệp và bài toán bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu

Chuyển đổi mô hình kinh doanh bền vững đang là giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp khi đứng trước các bài toán bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.
dien-dan-2023-1692785837.jpg
Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) năm 2023 với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững” - Ảnh Hương Lan.

Trong những năm qua, thế giới vẫn đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bệnh dịch, suy giảm kinh tế toàn cầu, bất ổn địa chính trị.

Đặc biệt trong đó, sự suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu tạo ra những sức ép nặng nề hơn cả cho nhân loại. Điều đó cũng có nghĩa giải quyết được bài toán môi trường, biến đổi khí hậu sẽ đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo tương lai bền vững mà nhân loại mong muốn.

Chia sẻ về vấn đề phát triển bền vững, tại Diễn đàn Doanh nghiệp phát triển bền vững Việt Nam thường niên (VCSF) năm 2023 với chủ đề “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”, bà Cao Thị Ngọc Dung, Phó Chủ tịch VBCSD, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) nhấn mạnh: Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà sự cân bằng giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường đã trở thành một trong những vấn đề quan trọng nhất, là đòi hỏi tất yếu để tồn tại. Với sự tăng trưởng nhanh chóng và thay đổi chóng mặt của công nghệ, chúng ta không thể bỏ lỡ cơ hội để tạo ra một nền kinh tế thấp carbon, hướng đến sự cân bằng và bền vững.

Theo bà Dung, giải bài toán chuyển đổi mô hình kinh doanh giảm thiểu phát thải carbon là một yêu cầu cấp bách. Theo đó, khu vực doanh nghiệp đòi hỏi phải đổi mới, nắm bắt những giải pháp thông minh, sử dụng tài nguyên thiên nhiên có hiệu quả, từ việc sử dụng năng lượng tái tạo đến quản lý tài nguyên thiên nhiên. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường, mà còn giúp doanh nghiệp tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững trong tương lai.

Để thực hiện những yêu cầu đặt ra, việc xây dựng chuỗi cung ứng bền vững (từ việc đảm bảo nguồn cung cấp đến chất lượng sản phẩm và tuân thủ đạo đức kinh doanh) có tầm quan trọng rất lớn. “Bằng cách tạo ra một hệ thống cung ứng bền vững, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, giảm thiểu rủi ro đồng thời góp phần vào việc duy trì sự phát triển bền vững của cộng đồng và môi trường,” bà Dung nói.

Còn theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại AEON Việt Nam cho rằng, thực hành phát triển bền vững có thể bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Tại AEON, khách hàng có thể thuê túi mà không phải mua mới, qua đó lan toả hành vi tiêu dùng xanh sử dụng túi môi trường xanh. AEON đã có nhiều hoạt động cộng đồng lồng ghép giáo dục, đào tạo và chia sẻ qua đó thay đổi hành vi của người tiêu dùng. Hiện khách thuê túi của AEON đã lên tới 20.000 lượt.

Cũng trong khuôn khổ Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng lưu ý cộng đồng doanh nghiệp rằng việc thực hiện phát triển bền vững không chỉ dành riêng cho các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa - xương sống của nền kinh tế, cũng cần phải tích cực và chủ động tham gia vào cuộc đua xanh này.

Phó Thủ tướng chỉ ra một số định hướng mà cộng đồng doanh nghiệp nước nhà cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy phát triển bền vững của doanh nghiệp và của quốc gia. Thứ nhất, các doanh nghiệp cần nghiên cứu, áp dụng và thực hành những quy định, tiêu chí về phát triển bền vững, trong đó có Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) do VBCSD-VCCI chủ trì xây dựng; cùng với đó là thúc đẩy thực hành ESG trong quản trị doanh nghiệp. Thứ hai, các doanh nghiệp cần nỗ lực đóng góp vào công tác bảo vệ tự nhiên, bảo vệ sự đa dạng sinh thái. Thứ ba, để có thêm các giải pháp trong phát triển bền vững, các doanh nghiệp cũng cần tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số.

Đông Nghi