Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ Việt Nam kiên cường "vượt sóng"

Nữ doanh nhân Việt Nam đã thể hiện sự kiên cường và mạnh mẽ, thành công trong việc duy trì và phát triển hoạt động kinh doanh, ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức khổng lồ từ khủng hoảng đại dịch toàn cầu.

Theo thông tin được đưa ra tại Hội thảo công bố báo cáo “Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của Covid-19”, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ ở Việt Nam dù có một số cải thiện trong giai đoạn 2011-2018 nhưng lại giảm trong các năm từ 2019 đến 2021, và chưa đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020. 

Quy mô doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung ở mức nhỏ, siêu nhỏ và với quy mô trung bình thấp hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. 263.444 là số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong tổng số 883.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên toàn quốc tính đến hết tháng 9 năm 2022. Loại hình phổ biến nhất là Công ty TNHH một thành viên (135.331 doanh nghiệp), ít nhất là Công ty hợp danh (12 doanh nghiệp).

Số liệu từ điều tra doanh nghiệp PCI 2021: Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong điều tra PCI 2021 là 22,2%. Hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực thương mại/dịch vụ. Chủ yếu xuất phát từ hộ kinh doanh. Quy mô doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tập trung ở mức nhỏ, siêu nhỏ (chiếm 90,7% trong tổng số doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ) và với quy mô trung bình thấp hơn so với các doanh nghiệp do nam giới làm chủ. Có đến 61,3% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ xuất phát từ hộ kinh doanh cá thể. Khách hàng chính là cá nhân trong nước và doanh nghiệp tư nhân trong nước.

Cũng theo báo cáo, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ cũng phải gánh chịu rất nhiều tác động và tổn thất từ đại dịch COVID-19. Trên toàn cầu, các nữ doanh nhân điều hành nhiều doanh nghiệp nhỏ nhất, dễ bị tổn thương nhất, trong những ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất do bị đóng cửa bởi đại dịch. Phụ nữ còn gặp phải nhiều khó khăn hơn do yêu cầu xuất phát từ gia đình tăng lên, như việc chăm sóc trẻ em, người già, do trường học bị gián đoạn, các cơ sở y tế ưu tiên chống dịch…

dn-nu-1668415658.jpg
Hội thảo công bố báo cáo “Kiên cường vượt sóng: Kết quả điều tra các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ dưới tác động của Covid-19”. Ảnh Hương Lan.

Doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ có đóng góp đáng kể vào nền kinh tế, tuy nhiên họ đang gặp phải rất nhiều khó khăn. Đó là những khó khăn từ môi trường kinh doanh, từ áp lực phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống gia đình, từ quan niệm sai lầm về vai trò của phụ nữ. Xã hội vẫn còn nhiều định kiến như: năng lực “tự nhiên” của người phụ nữ là dành cho công việc chăm sóc chứ không phải trong quản lý và kinh doanh, phụ nữ nên đảm nhận vị trí phụ trợ (“vị trí thứ hai”) thay vì đảm nhận vai trò lãnh đạo cấp cao nhất, phụ nữ không thể tập trung vì họ tập trung chủ yếu vào chăm sóc con cái và gia đình, phụ nữ ngại rủi ro và không có kỹ năng như nam giới để đưa ra những quyết định táo bạo... Do đó, để tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong trạng thái bình thường mới, nhóm thực hiện báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị.

Cụ thể, địa phương cần có ưu tiên cho doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong chương trình hỗ trợ doanh nghiệp ở tất cả các địa phương, hỗ trợ tiếp cận nguồn tín dụng. Các địa phương cải thiện việc triển khai các biện pháp hỗ trợ do Chính phủ cung cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trong cuộc khủng hoảng COVID-19, đặc biệt là minh bạch thông tin và quy trình thủ tục áp dụng. 

Các cơ quan hữu quan có thể làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp và các mạng lưới kinh doanh, cộng đồng khác để giải đáp, hỗ trợ thông tin, hướng dẫn cụ thể về các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, phù hợp với đặc điểm của các doanh nghiệp, từ đó thúc đẩy việc tiếp cận và sử dụng hiệu quả các biện pháp hỗ trợ.

Chính phủ cần xác định các mục tiêu phù hợp với từng thời kỳ để xây dựng gói hỗ trợ tài khóa với quy mô đủ lớn nhằm đáp ứng các tiêu chí kịp thời, đúng đối tượng, đủ dài, đủ bao trùm để mang lại hiệu quả như kỳ vọng. Đồng thời, cần xem xét các chính sách hỗ trợ tài khóa cụ thể đã được triển khai để mở rộng đối tượng thụ hưởng, mức độ hỗ trợ, thời gian hỗ trợ. Cần tập trung cải thiện hiệu quả của công tác tuyên truyền và thực thi đối với các gói chính sách hỗ trợ đã ban hành.

Bên cạnh đó, Chính phủ, doanh nghiệp và các bên liên quan cùng thúc đẩy chuyển đổi số: các doanh nghiệp cần xem xét quá trình chuyển đổi và bám sát các cơ hội thương mại điện tử, bao gồm các nền tảng trực tuyến và giao dịch kỹ thuật số như một cách để tham gia vào “nền kinh tế không tiếp xúc trực tiếp”.

Chính quyền các cấp thúc đẩy, hiệp hội kết nối và các doanh nghiệp chủ động tăng cường chuỗi cung ứng nội địa, tìm kiếm cơ hội phát triển thị trường trong nước. Cơ quan nhà nước, các hiệp hội doanh nghiệp kịp thời cung cấp thông tin thị trường, doanh nghiệp chủ động hơn trong kiểm soát, giảm thiểu rủi ro của biến động thị trường.

Ngoài ra, các hiệp hội, tổ chức đại diện doanh nghiệp chia sẻ thông tin, tăng cường phối hợp với nhau, tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp hội viên để hợp tác cùng phát triển. Tổng hợp, đề xuất với Chính phủ các giải pháp, sáng kiến để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
 

Đông Nghi