Doanh nghiệp kỳ vọng Nghị quyết 01/2023 giúp nền kinh tế có nhiều đột phá, nhanh chóng phục hồi

Nghị quyết 01/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và cải thiện môi trường kinh doanh năm 2023 của Chính phủ được kỳ vọng sẽ hỗ trợ nền kinh tế hồi phục nhanh chóng, phát triển bền vững.

Phát biểu tại tọa đàm "Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ doanh nghiệp: Vượt khó” do Báo Người Lao Động tổ chức mới đây, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho biết, điều đầu tiên doanh nghiệp (DN) muốn kiến nghị là sự đột phá. Mong muốn sự vào cuộc của các cơ quan chức năng với tinh thần đột phá. Ý nghĩa, tiêu đề của Nghị quyết 01 phải được thực hiện một cách quyết liệt. Ví dụ, trong hệ thống văn bản có độ vênh thì Chính phủ và các bộ ngành có thể ra văn bản hướng dẫn cho DN vận dụng, các nào có lợi nhất cho DN để tạo cú hích cho đột phá.

Về giải pháp tiếp cận nguồn vốn, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước và các Ngân hàng thương mại cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa. Nếu lãi suất dài hạn trên 10% thì DN "không có cửa" để đầu tư nên cần làm sao kéo lãi suất dài hạn xuống, nên vạch lộ trình cụ thể từ đây đến 6 tháng đưa lãi suất dài hạn xuống để kích thích đầu tư.

Hiện nay, DN đang sử dụng tài sản bất động sản (BĐS) làm tài sản thế chấp để vay vốn. Trong bối cảnh giá BĐS giảm, tỉ lệ giải ngân trên giá trị BĐS giảm thì nguồn vốn giải ngân cho DN rất thấp. Một số DN đã ký hợp đồng vay nhưng cả 2 giá trị bị kéo xuống, tỉ lệ giải ngân cũng bị kéo xuống, buộc họ phải bổ sung tài sản thế chấp, thực tế này đang tạo thêm áp lực cho DN.  

Thứ 3, TP.HCM có chương trình cho vay kích cầu đầu tư hỗ trợ rất tốt cho DN giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, từ 2021 đến nay chương trình bị dừng. Cộng đồng DN rất mong TP HCM nối lại chương trình này để hỗ trợ vốn kích cầu đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm và các lĩnh vực giáo dục, môi trường...

Thứ 4, không chỉ ngành BĐS mà nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng đang gặp nhiều khó khăn. Chúng ta đang kỳ vọng vào sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam. Trong khi để thu hút nhà đầu tư nước ngoài Việt Nam cần có các khu công nghiệp đạt chuẩn sinh thái,  chuẩn xanh – bền vững để xuất khẩu sản phẩm ra thị trường thế giới. Vì vậy, kiến nghị Nhà nước có những chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững. 

Cuối cùng, bên cạnh nguồn lực vốn thì nguồn lực đất đai cũng rất quan trọng. Quay trở lại cái gốc là cần những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn cho nguồn lực đất đai vì đó nguồn lực có vai trò mở đường để khơi thông nguồn lực về vốn.

det-may-1675932392.jpg
Doanh nghiệp kỳ vọng Nghị quyết 01/2023 giúp nền kinh tế nhanh chóng hồi phục. Ảnh minh họa

Doanh nhân Trần Việt Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn cho rằng, trước khi nói về chính sách để kiến nghị, nên nói về thành quả. Lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch 730 tỉ USD có sự đóng góp rất lớn của các DN sản xuất công nghiệp. Chúng ta đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu tiêu, đứng thứ 3 về dệt may, các ngành khác như xuất khẩu da giày, trái cây và rau quả, chế biến gỗ, gạo… đều đạt những thành tích hàng đầu. Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD, đứng thứ 3 thế giới hay riêng ngành nhựa của chúng tôi đã xuất khẩu 3,8 tỉ USD… Có 39 sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỉ USD.

Về chính sách, các DN rất cần tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT về 8% như năm 2022 và giãn thuế GTGT trong 6 tháng. Do đó, Nghị quyết 01 của Chính phủ cần tiếp tục duy trì chính sách này trong năm nay. Các DN đang có nguồn hàng tốt và có đầu ra tốt rất cần nguồn vốn từ thuế GTGT được chậm lại để có vốn quay vòng nhanh hơn. DN sản xuất - kinh doanh, xuất khẩu hiện nay có thị trường đang rất cạnh tranh gay gắt, họ có nhu cầu giảm lãi suất và liệu cơm gắp mắm, thay vì nhu cầu vay vốn mới. 

Một vấn đề quan trọng khác là các DN đang rất cần chính sách hỗ trợ để quy hoạch lại nguồn lao động, trong bối cảnh hiện nay khi người lao động không có việc phải nghỉ Tết sớm. Trong đó, nhiều DN FDI cũng cho nghỉ việc hàng loạt. Cần có truyền thông và đào tạo cho nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề. Trong năm 2022, việc hỗ trợ đào tạo cho nguồn nhân lực có tay nghề ở TP HCM rất ít, cần tập trung đào tạo các trường nghề. Như TP HCM, không hút lao động phổ thông về mà tập trung quy hoạch phát triển ở những địa phương khác phù hợp hơn. Lao động TP HCM chỉ nên quy hoạch tập trung lao động trình độ cao, có hàm lượng chất xám…

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết: "Từ nửa sau của năm 2022, tình hình kinh tế khó khăn với việc khô cạn nguồn vốn tín dụng và nhất là lĩnh vực BĐS. Đáng chú ý là khó khăn của một bộ phận quan trọng bất nhất của nền kinh tế là khu vực nội địa. Nếu không tìm ra đúng nguyên nhân sẽ rất khó tháo gỡ … Và trong điều kiện lạm phát tăng lên, lãi suất cao, nền kinh tế bất ổn sẽ tiếp tục tác động tới khu vực nội địa của nền kinh tế. Nếu lãi suất cao 15 - 16%/năm như hiện nay doanh nghiệp thật sự khó khăn".

Trong khi đó, những cái trói buộc, những điều kiện khách quan và chủ quan khiến các ngân hàng không thể hạ lãi suất được, ảnh hưởng tới doanh nghiệp. Trong bối cảnh khó khăn này, một điều rất then chốt là việc bơm vốn cho nền kinh tế qua kênh đầu tư công quá chậm sẽ rất khó đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế. Giải ngân vốn cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng quá chậm.

PGS.TS Trần Đình Thiên kiến nghị những giải pháp cụ thể gồm: Đối với kinh tế vĩ mô cần có giải pháp hỗ trợ, khuyến khích đối với khu vực kinh tế nội địa để có điều kiện tương xứng với khu vực FDI. Làm sao để lãi suất ổn định, quá cao như hiện nay sẽ rất khó. Khuyến khích cho DN nội địa phát triển phải thay đổi từ bộ máy nhà nước, bộ máy chính quyền, đạt hiệu quả của quản lý nhà nước. Cấu trúc lại, cải cách hệ thống tài chính để ổn định an toàn… điều chỉnh Nghị định 65 về trái phiếu DN phù hợp để thị trường này phát triển tốt hơn.

Ông Thiên cũng cho rằng, để khôi phục niềm tin, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi nhanh thì cần tuyệt đối không hình sự hóa kinh tế; tránh "quay xe" chính sách, làm cho DN không hoạt động được và bộ máy hành chính không dám hoạt động. Cần những giải pháp đột phá, đột biến bởi nếu chỉ chăm chăm vào tháo gỡ sẽ rất khó.

Đông Nghi