Phát biểu khai mạc phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, trải qua 25 năm hoạt động và phát triển, VBF đã luôn bám sát mục tiêu và nhiệm vụ là cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với các cơ quan Chính phủ Việt Nam. Cộng đồng doanh nghiệp đã phản biện, đưa ra khuyến nghị để hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đồng thời, không ngừng đổi mới từ tầm nhìn đến nội dung, phương thức hoạt động để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động, theo hướng quan tâm nhiều hơn với trách nhiệm cộng đồng; cùng đồng hành và tham mưu cho Chính phủ các giải pháp nhằm phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Năm 2022 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, tác động nhiều mặt, ảnh hưởng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với toàn thế giới. Trong bối cảnh đặc biệt đó, nhờ sự chỉ đạo, điều hành đúng hướng, quyết liệt, linh hoạt, kịp thời trên các lĩnh vực của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, kinh tế - xã hội của Việt Nam đã có nhiều khởi sắc.
Lại nói, Việt Nam là quốc gia đang phát triển nhưng có trách nhiệm với môi trường và cộng đồng. Bằng chứng là Việt Nam đã sớm tiếp cận với mô hình tăng trưởng xanh. Năm 2012, Chính phủ ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh. Để đạt được mục tiêu trên, sự bắt tay, hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp là hết sức cần thiết.
Ông David John Whitehead - Chủ tịch Tập đoàn Mavin, Trưởng nhóm Doanh nghiệp Nông nghiệp VBF cho biết: "Việc chuyển đổi sang các mô hình canh tác quy mô lớn cần được thúc đẩy tích cực hơn, nhằm cải thiện việc quản lý chất lượng, giảm thiểu tối đa ô nhiễm, cải thiện truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Năm 2023, Việt Nam cũng cần thúc đẩy hoạt động của các hợp tác xã, phát triển chương trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và quảng bá du lịch nông nghiệp. Tất cả sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp nước ngoài được đổi mới sáng tạo khi tham gia ngành nông nghiệp tại Việt Nam".
Tại sự kiện, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã chia sẻ các mô hình kinh tế tuần hoàn, đóng góp vào khung pháp lý, nhằm phát huy vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong việc hỗ trợ Việt Nam sớm đạt được những mục tiêu về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững. Các doanh nghiệp kiến nghị, cần xây dựng cơ chế giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp hợp lý, trên cơ sở tính toán khoa học, hài hòa giữa các bên.
Phát triển xanh, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu và Chính phủ Việt Nam xác định đây là lựa chọn tối ưu cho phát triển bền vững, động lực tăng trưởng của Việt Nam trong trung và dài hạn. Việt Nam là quốc gia đang phát triển với nguồn lực hạn chế nhưng đã có bước đi sớm trong quá trình này. Tuy nhiên, nguồn lực thực hiện cũng là thách thức lớn đối với Việt Nam, rất cần có sự đồng hành của các doanh nghiệp.