Giải pháp nào cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn

Không ít doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) có năng lực tài chính hạn chế, thiếu tài sản bảo đảm, hơn nữa, nhiều doanh nghiệp thiếu vị thế, uy tín trên thị trường về sản phẩm, thương hiệu nên việc tiếp cận vốn gặp nhiều khó khăn… Đó là chia sẻ của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng tại hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”.

Tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, NHNN phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tổ chức hội nghị “Các giải pháp tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh”. Hội nghị tổ chức dưới hình thức trực tuyến tại chi nhánh 22 tỉnh, thành phố.

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước có khoảng 800.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa (DN SME) chiếm trên 98%. Những năm qua, khu vực doanh nghiệp SME đã và đang khẳng định vai trò động lực quan trọng để phát triển kinh tế của các địa phương, sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã tạo việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy nhiên, hoạt động của khu vực doanh nghiệp DNNVV đang gặp nhiều khó khăn, như là khả năng tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư vào máy móc, công nghệ hiện đại, phục vụ cho sản xuất, kinh doanh; thiếu kinh nghiệm quản trị điều hành; khả năng cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường ngay trên thị trường nội địa.

Do đó, hội nghị này được tổ chức nhằm đẩy mạnh thực hiện các chương trình, chính sách tín dụng phục vụ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; đồng thời nắm bắt đầy đủ khó khăn, vướng mắc của DNNVV hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực để tiếp tục tìm ra các giải pháp khắc phục, hỗ trợ cho DNNVV trong thời gian tới.

hnn-1678896639-1679013744.jpg
Quang cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - bà Nguyễn Thị Hồng cho biết: "Doanh nghiệp nhỏ và vừa là bộ phận trong thành phần kinh tế tư nhân, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, được Đảng và Nhà nước quan tâm ưu tiên phát triển. Thời gian qua, trên cơ sở bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành, triển khai nhiều chính sách về tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn".

NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường để ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng hợp lý, đồng thời tạo điều kiện tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp, người dân; quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND đối với các lĩnh vực ưu tiên phát triển (trong đó có DNNVV) thấp hơn 1-2%/năm so với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường.

xuat-khau-do-go-5-1679013744.jpg
Doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp lớn cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. ảnh minh họa

Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV kiến nghị "nới" các điều kiện cho vay DNNVV, làm sao thông thoáng hơn. Thực tế đã có nhiều chương trình giãn nợ, hỗ trợ lãi suất…, tuy nhiên, với tỉ lệ 60% doanh nghiệp siêu nhỏ, khoảng 2-3% doanh nghiệp vừa sẽ rất khó tiếp cận vốn với các điều kiện như hiện nay. 

"Nếu không có giải pháp đồng bộ từ trên xuống, các ngân hàng không thể đột phá được, bị bó về mặt cơ chế thì ngân hàng muốn đẩy mạnh cho vay DNNVV cũng không đơn giản", ông Nguyễn Văn Thân nói.

Sau khi nghe các ý kiến trao đổi, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú ghi nhận các đóng góp của các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, ngân hàng và khẳng định sẽ tổng hợp thành các nhóm kiến nghị đề xuất lớn.

Tại Hội nghị, các đại biểu có nhiều ý kiến phát biểu, trao đổi, thảo luận tập trung vào việc đánh giá về tình hình hoạt động của DNNVV; tình hình triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV theo luật hỗ trợ DNNVV; các chương trình, chính sách tín dụng, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh của DNNVV. Đặc biệt, các đại biểu đã thảo luận về các khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ phát triển DNNVV nói chung, tăng khả năng tiếp cận tín dụng nói riêng từ các góc nhìn của doanh nghiệp, ngân hàng, Hiệp hội và các cơ quan quản lý Nhà nước, nhất là đánh giá hiệu quả cơ chế bảo lãnh cho DNNVV tiếp cận vốn của Quỹ bảo lãnh tín dụng DNNVV, Quỹ phát triển DNNVV./.

Trần Như