Doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm quản lý chuỗi cung ứng xanh

Quản lý chuỗi cung ứng xanh là sự kết hợp giữa yếu tố môi trường và quản trị chuỗi cung ứng bao gồm cả thiết kế sản phẩm, tìm kiếm, lựa chọn nguyên liệu, sản xuất và phân phối đến tay người tiêu dùng.
cung-ung-xanh-1693153676.jpg
Chuỗi cung ứng xanh (Green Supply Chain). Ảnh minh họa

Trong một nền kinh tế ngày càng chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường, xây dựng những nền kinh tế xanh thì chuỗi cung ứng xanh (Green Supply Chain) cũng là một hướng phát triển của mới của các doanh nghiệp, giúp tạo vị thế cạnh tranh và có một thương hiệu thân thiện với môi trường.

Bà Lê Thị Hoài Thương - Quản lý Đối ngoại và Truyền thông Nestle Việt Nam nhấn mạnh, chuỗi cung ứng là xương sống, là cấu phần rất quan trọng với mỗi doanh nghiệp. Đặc biệt, đối với các doanh nghi trong ngành thực phẩm, việc giữ được chuỗi cung ứng xanh vì mục tiêu phát triển bền vững. Với nguồn nguyên liệu có chất lượng từ nguồn sản xuất, canh tác cho đến vận chuyển tới nhà máy phải bảo đảm đươc thời gian đã được tính trước. Sau đó đến việc giao sản phẩm đến tay người tiêu dùng, điều này rất quan trọng. Do đó, việc tập trung vào nguồn cung ứng nguyên liệu bền vững sẽ bảo đảm chất lượng nguyên liệu, bảo đảm được nguồn cung bền vững, không bị đứt gãy.

Nestle là một trong những nhà mua cà phê lớn nhất của Việt Nam. Hàng năm công ty mua trung bình 25% tổng lượng cà phê của Việt Nam, cả cà phê xanh và cà phê qua chế biến, để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Ngoài việc nâng cao năng lực quản lý của người nông dân trong sản xuất và kinh doanh cà phê, công ty cũng hợp tác với một số viện nghiên cứu, trung tâm khuyến nông, các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhằm khôi phục dinh dưỡng cho đất, chống xói mòn, bảo tồn nguồn nước, có thể làm tăng đa dạng sinh học…

Theo bà Thương, các hoạt động này đã giúp giảm khoảng 40% lượng nước tưới của người nông dân, giảm được 20% thuốc bảo vệ thực vật và đồng thời tăng 30%, thậm chí có những hộ tăng 100% thu nhập thông qua tăng năng suất và giảm chi phí đầu vào. Cách làm này vừa giúp tăng sinh kế cho người nông dân vừa giúp cho tập đoàn có nguồn cung bền vững. Việc bảo đảm nguồn cung bền vững giúp doanh nghiệp tránh được những rủi ro từ việc thay đổi những quy định của thế giới khiến đứt gãy chuỗi cung ứng. 

Bên cạnh việc sử dụng nguyên liệu xanh, theo ông Hà Mạnh - Giám đốc điều hành Tổng công ty May 10 cho rằng, trong chuỗi cung ứng sản phẩm sản xuất xanh và sạch không phải chỉ cần mỗi nguyên liệu xanh mà trong quá trình vận hành, sản xuất cũng phải bảo đảm việc xanh hoá. Theo đó, các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư đổi mới công nghệ để giảm bớt tiêu thụ năng lượng, giảm phát thải.

Từ kinh nghiệm thành công của Tổng công ty May 10, ông Mạnh cho rằng, các doanh nghiệp cũng cần xây dựng chính sách trong nội bộ doanh nghiệp như bộ tiêu chuẩn quản lý năng lượng, triển khai việc kiểm toán năng lượng để tìm ra biện pháp đầu tư, cải tạo, cải tiến giảm việc tiêu hao năng lượng điện. Trong sử dụng năng lượng, May 10 đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Tuy vậy, ông Mạnh cho biết, khó khăn của doanh nghiệp hiện nay là phải tìm kiếm nguồn nguyên liệu có thành phần tái chế. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã đầu tư và cũng đã sản xuất theo yêu cầu này nhưng lượng cung chưa nhiều do phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp trên thế giới.

Còn theo bà Vũ Thị Minh Tú - Giám đốc đối ngoại công ty Lazada Việt Nam cho biết, đảm nhận vai trò trong chặng cuối của chuỗi cung ứng, doanh nghiệp đã có nhiều sáng kiến góp phần xây dựng chuỗi cung ứng xanh, phát triển bền vững. Nhờ hoạt động trong lĩnh vực thương mại điện tử nên đơn vị ứng dụng nhiều công nghệ như trí tuệ nhân tạo, công nghệ… nhằm tối ưu hoá hoạt động vận hành trong việc phân loại, đóng gói, vận chuyển hàng hoá và tối ưu hoá quãng đường giao hàng cho mỗi một sản phẩm. Qua đó, đóng góp cho việc giảm phát thải khí nhà kính.

Bên cạnh đó, Lazada Việt Nam dùng công nghệ để tối ưu hoá quãng đường vận chuyển cho shipper. Theo đó mỗi shipper có thể giao được 200 đơn hàng mỗi ngày, thậm chí nhiều hơn thay vì chỉ giao được mấy chục đơn hàng mỗi ngày như trước đây. Để góp phần giảm khí phát thải, bảo vệ môi trường, năm 2023, Lazada Việt Nam cũng thí điểm giao hàng bằng 50 chiếc xe đạp điện, 100 xe máy điện.

Trong hoạt động đóng gói, công ty chú trọng đến những sáng kiến giúp giảm thiểu vật liệu đóng gói. Thay vì sử dụng túi bóng khí để chèn lót hàng hoá tránh bị vỡ, bộ phận logistics có sáng kiến sử dụng lại bìa carton cũ hoặc bìa carton lấy ra từ hàng hoá đóng gói sẵn của nhà sản xuất, cắt ra làm vật liệu chèn lót.

Ngoài ra, Lazada cũng là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ngành thương mại điện tử sử dụng bao bì bìa carton làm từ giấy được chứng nhận FSC để đóng gói hàng hoá. Đồng thời có những hoạt động góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng như thực hiện chiến dịch LAZEARTH nhân Chiến dịch Giờ trái đất, đưa các sản phẩm thân thiện với môi trường đến tay người tiêu dùng…

Đông Nghi