2 tháng đầu năm 2023, giao dịch bất động sản thê thảm
2022 là một năm nhiều cung bậc của thị trường bất động sản: Đầu năm sốt nóng, sau đó nguội dần rồi rơi vào cảnh ảm đạm vào cuối năm. Tình trạng này không chỉ kéo dài một hai tháng mà đã diễn ra trong suốt nửa cuối năm 2022 và càng về sau thì “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm.
Trong hai tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê cho biết số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thành lập mới là 550 doanh nghiệp, giảm 62,4% so với cùng kỳ; số lượng doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động khoảng 608 doanh nghiệp, bằng 81,2% so cùng kỳ. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp bất động sản giải thể là 235 doanh nghiệp, tăng gần 20%.
Trong khi đó báo cáo của DKRA Group cho hay, 2 tháng đầu năm, thị trường đất nền và căn hộ, nhà đất tại TP. HCM và các tỉnh lân cận ghi nhận không khí giao dịch thê thảm khi cả cung, cầu và giá đều lao dốc... Cụ thể, thị trường đất nền TP. HCM và vùng phụ cận chỉ ghi nhận 4 dự án chào bán, trong đó có 2 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo và 2 dự án mở bán mới với nguồn cung 117 nền, giảm 92% so với cùng kỳ năm trước.
Không chỉ nguồn cung, lượng tiêu thụ cũng giảm đến 98% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn cung và lượng tiêu thụ mới 2 tháng đầu năm 2023 tập trung chủ yếu tại Đồng Nai và Long An, những tỉnh thành còn lại không ghi nhận nguồn cung mới.
Đối với các loại hình bất động sản nghỉ dưỡng trên phạm vi cả nước, DKRA cho biết cả nước chỉ ghi nhận 3 căn biệt thự nghỉ dưỡng mới và chỉ có một căn được giao dịch. Trong khi shophouse nghỉ dưỡng có 6 căn mới tung ra thị trường, song không ghi nhận phát sinh giao dịch nào. Đối với phân khúc condotel, cả thị trường không ghi nhận dự án mở bán mới.
Còn theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, trong 2 tháng đầu năm, nhu cầu tìm mua bất động sản toàn quốc giảm 23% so với cùng kỳ năm trước. Chung cư là loại hình bất động sản bán duy nhất có mức độ quan tâm tăng trong 2 tháng đầu năm nay, với mức tăng nhẹ 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đất nền, nhà riêng, nhà mặt phố, biệt thự đều giảm từ 17% - 54%.
Kỳ vọng chính sách giúp thị trường đảo chiều
Cuối năm 2022, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc Batdongsan.com.vn, đã nhận định trong 3 yếu tố vĩ mô ảnh hưởng đến khả năng đảo chiều của thị trường bất động sản (tăng trưởng tín dụng – lãi suất – chính sách điều hành của Chính phủ) thì tăng trưởng tín dụng và chính sách sẽ là 2 yếu tố mang lại tác động tích cực và đẩy nhanh tiến trình xoay chiều cho thị trường nhà đất. Thị trường có thể kỳ vọng thời gian phục hồi sớm, dự kiến vào khoảng cuối năm 2023.
Đến thời điểm hiện tại, hầu hết các chính sách, quyết định được ban hành gần đây như gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, thành lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công, Nghị định 08 về quy định trái phiếu, Nghị quyết 33 về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, cho thấy tín hiệu tích cực.
Đánh giá cao những tín hiệu tích cực từ Nghị quyết số 33, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng nghị quyết này thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường bất động sản, đặc biệt là về nguồn vốn và pháp lý. Doanh nghiệp bất động sản khó khăn sẽ được xem xét giãn nợ gốc, lãi vay, cơ cấu lại nhóm nợ. Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước xem xét điều chỉnh phù hợp hệ số rủi ro của các loại hình bất động sản để có được mức lãi suất cho vay phù hợp với thị trường, tránh việc kiểm soát dòng vốn quá mức.
"Ngoài ra, nghị quyết nêu rõ mục tiêu quan trọng là đẩy mạnh việc xử lý, tháo gỡ về pháp lý liên quan đến các dự án bất động sản để hỗ trợ và tạo ra nguồn cung trên thị trường. Đây là yếu tố rất quan trọng vì thị trường hiện có hơn 100.000 căn hộ đang xây dựng. Nếu các thủ tục ảnh hưởng đến tiến độ dự án được được thông qua, sẽ cải thiện nguồn cung trên thị trường, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người mua", ông Quốc Anh nói.
Nói về tác động của Nghị định 08, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, nhìn nhận quy định cho phép doanh nghiệp phát hành trái phiếu có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác sẽ giúp gỡ nghẽn cho doanh nghiệp ở thời điểm này. Đồng thời, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp có thêm các phương án xử lý câu chuyện trái phiếu. Tuy nhiên theo ông Đính, điều kiện tiên quyết là cần có sự thương thảo giữa hai bên doanh nghiệp và trái chủ.
Theo ông Đính, một số quy định mở về trái phiếu trong Nghị định 08 cũng sẽ giúp các doanh nghiệp bất động sản đang có khoản nợ trái phiếu không lâm vào cảnh "bế tắc", có thêm thời gian cơ cấu nợ, có phương án thích hợp để tái cấu trúc lại sản phẩm, có cơ hội phát triển, có lợi cho thị trường, nhà đầu tư và nền kinh tế nói chung.
Trong khi đó, ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc Batdongsan.com.vn khu vực phía Nam, cho rằng việc kéo giãn kỳ hạn trái phiếu 2 năm mang tới kỳ vọng kéo dài thời gian và điều kiện để các doanh nghiệp bất động sản có thể tháo gỡ các dự án đang vướng pháp lý, chuyển nhượng dự án (M&A) hay tích lũy dòng tiền từ các đợt bán hàng để thanh toán các khoản trái phiếu đến hạn. Khi niềm tin các nhà đầu tư quay lại cùng với các dự án được tháo gỡ pháp lý thì việc phát hành huy động mới, phát hành trái phiếu doanh nghiệp trở lại giúp cho việc thanh toán/thanh khoản dễ dàng hơn.
"Nghị định 08 không chỉ giúp giảm tải áp lực cho doanh nghiệp mà còn có thể bảo vệ nhà đầu tư. Đối với các trái chủ không muốn gia hạn 2 năm, Nghị định bảo vệ trực tiếp quyền lợi của họ vì vẫn cho họ quyền chọn lựa chứ doanh nghiệp không được tự ý gia hạn", ông Tuấn nói.
"Đối với những nhà đầu tư chưa có nhu cầu ngay, doanh nghiệp có thời gian tái cơ cấu, không bán rẻ tài sản, từ đó bảo toàn giá trị tài sản trong thời gian ngắn hạn để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư", ông Tuấn nói. Ngoài ra, nhà đầu tư với số tiền chứng khoán ít hơn 2 tỷ nhưng có các khoản tiết kiệm nhàn rỗi ở ngân hàng có thể xem xét tham gia, hỗ trợ thanh khoản cho thị trường. Khi thanh khoản tăng lên cũng sẽ hỗ trợ tốt hơn cho việc phát hành mới, cũng như phân loại các doanh nghiệp./.