Quy định về kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài là doanh nghiệp hoạt động trong các nội dung sau:
Ký kết các hợp đồng liên quan đến việc người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Tuyển chọn lao động;
Dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động; tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
Thực hiện Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Thanh lý hợp đồng giữa doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp và người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Các hoạt động khác của tổ chức, cá nhân có liên quan đến người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
1. Doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (sau đây gọi là doanh nghiệp dịch vụ) là công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và công ty hợp danh được thành lập và hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, đáp ứng các điều kiện sau đây về vốn:.
Vốn pháp định không thấp hơn 5.000.000.000 đồng (năm tỷ Việt Nam đồng).
Có chủ sở hữu, tất cả các thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư.
2. Có đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
Nội dung của Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và nước tiếp nhận lao động, được thực hiện theo Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP.
3. Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài
Bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp dịch vụ (sau đây gọi là bộ máy) bao gồm:
- Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài gồm bộ phận đào tạo và bộ phận quản lý học viên;
- Các phòng nghiệp vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với nhiệm vụ khai thác thị trường ngoài nước, tuyển chọn lao động, quản lý lao động làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ lao động về nước, tài chính;
- Trung tâm bồi dưỡng kiến thức cần thiết và các phòng nghiệp vụ phải đảm bảo số lượng nhân viên nghiệp vụ để thực hiện hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động thuộc sở hữu của doanh nghiệp dịch vụ hoặc được doanh nghiệp dịch vụ thuê ổn định theo hợp đồng phù hợp với quy định của pháp luật và phải đáp ứng điều kiện tối thiểu sau:
- Có đủ phòng học và phòng ở cho 100 lao động tại một thời điểm;
- Diện tích phòng học trung bình 1,4 m2/học viên và phòng ở trung bình 3,5 m2/học viên, có trang thiết bị cơ bản bảo đảm phục vụ học tập và sinh hoạt nội trú.
- Doanh nghiệp dịch vụ lần đầu được cấp Giấy phép hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải thực hiện phương án tổ chức bộ máy chuyên trách để bồi dưỡng kiến thức cần thiết và hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy phép.
4. Người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ từ đại học trở lên, có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế;
5. Doanh nghiệp thực hiện ký quỹ 1.000.000.000 đồng (một tỷ Việt Nam đồng) tại ngân hàng thương mại được phép hoạt động tại Việt Nam. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được sử dụng theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 22 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006.
Hồ sơ cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài gồm:
- Văn bản đề nghị cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài (theo Mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 38/2020/NĐ-CP)
- 01 bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới nhất.
- Các giấy tờ chứng minh điều kiện về vốn theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 38/2020/NĐ-CP.
- 01 bản chính Giấy xác nhận nộp tiền ký quỹ.
- 01 bản chính Đề án hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
- 01 bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc hợp đồng thuê cơ sở vật chất để tổ chức bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động.
- Các giấy tờ chứng minh điều kiện về người lãnh đạo điều hành hoạt động và nhân viên nghiệp vụ theo quy định.
- 01 bản sao Điều lệ Công ty.
Nơi nộp hồ sơ: Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Thời hạn giải quyết: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không cấp Giấy phép, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp.
Sau khi được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm, doanh nghiệp phải thực hiện Công bố Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể:
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp phải có văn bản thông báo kèm theo bản sao Giấy phép gửi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính và niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính của doanh nghiệp.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy phép, doanh nghiệp phải đăng nội dung Giấy phép trên một trong các tờ báo viết của trung ương hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp.
Lưu ý: Doanh nghiệp được cấp Giấy phép phải trực tiếp tổ chức hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.