Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 thời gian qua ngành Nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã và đang triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đưa hoạt động sản xuất tăng trưởng ổn định, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, cùng với công tác kiểm tra, chỉ đạo sản xuất đúng khung thời vụ, ngành nông nghiệp tỉnh đang phối hợp với ngành Công Thương, các doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến giá cả, cung - cầu các mặt hàng nông sản thiết yếu để cân đối, bảo đảm an ninh lương thực trong tỉnh; xây dựng thương hiệu cho nông sản của tỉnh; đẩy mạnh truyền thông, quảng bá giới thiệu sản phẩm.
Ngành nông nghiệp cũng chủ động, nắm bắt và kịp thời tham mưu UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất về nguồn nguyên liệu, thủ tục hành chính để hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, ứng dụng cơ giới hóa, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững để nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa, đa dạng sản phẩm, nâng thời gian bảo quản sản phẩm, tiết kiệm chi phí vận chuyển. Đặc biệt, trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 như hiện nay, cùng với kiểm soát tốt vật tư đầu vào, tạo ra sản phẩm nông sản có chất lượng, giá cả hợp lý, ngành Nông nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối, triển lãm, quảng bá giới thiệu sản phẩm giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.
Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp nên nhiều chỉ tiêu trong sản xuất nông nghiệp năm 2021 trên địa bàn tỉnh đều tăng trưởng ổn định. Dự ước, tổng sản phẩm GRDP (theo giá so sánh) trong lĩnh vực nông, lâm thủy sản tăng 4,31% so với năm 2020. Theo đó, tổng sản lượng lương thực năm 2021 đạt gần 278 nghìn tấn, tăng 3,61% so với năm 2020.
Nhiều loại cây công nghiệp chủ lực bước vào thời kỳ kinh doanh có mức tăng trưởng khá về năng suất, sản lượng; bên cạnh đó, giá cả, thị trường đầu ra một số sản phẩm chủ lực đều tăng; chính sách hỗ trợ được triển khai đồng bộ, góp phần tạo động lực thúc đẩy người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, sản xuất. Cụ thể, đến nay lũy kế diện tích trồng cây mắc ca trên địa bàn tỉnh đạt 3.821ha; riêng năm 2021 trồng mới được 929ha, tăng 62,97% so với năm 2020. Đối với cây ăn quả, tổng diện tích ước đạt 6.986ha, tăng 21,94% so với năm 2020. Trong chăn nuôi, tổng đàn gia súc tăng 0,4% so với năm trước…
Đặc biệt, thời gian qua ngành nông nghiệp tỉnh tập trung thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025 và chuyển đổi sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của các sản phẩm; chuyển hướng từ sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán sang tập trung với quy mô phù hợp ở một số nơi có điều kiện, tiềm năng, lợi thế.
Đến nay, ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên đã triển khai thực hiện Dự án “Cánh đồng lớn sản xuất lúa gạo hàng hóa chất lượng cao gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Điện Biên” với diện tích 335ha; vận động người dân thực hiện chuyển đổi hơn 288ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây khác có giá trị kinh tế cao hơn; duy trì và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, thúc đẩy các hoạt động kết nối, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, kinh doanh tiếp cận thị trường.
Đến nay, toàn tỉnh Điện Biên đã có 21 chuỗi liên kết được xác nhận; tăng cường hỗ trợ, nâng cao và phát triển thêm các sản phẩm OCOP (dự ước đến hết năm nay có thêm 5 sản phẩm được công nhận OCOP, nâng tổng số sản phẩm toàn tỉnh lên 40 sản phẩm). Công tác thu hút đầu tư vào nông nghiệp được quan tâm, từ đầu năm đến nay có 4 dự án (chăn nuôi lợn, trồng mắc ca) được quyết định chủ trương đầu tư và 2 dự án được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Bên cạnh đó, quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho từng loại nông sản, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn./.
"Bài tuyên truyền thực hiện nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của chính phủ"