Dịch COVID-19: Hưng Yên thích ứng linh hoạt, đảm bảo mục tiêu kép

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Hưng Yên luôn nỗ lực vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. Đến nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh vẫn được kiểm soát, hoạt động sản xuất kinh doanh được đảm bảo an toàn.

*Kết quả tích cực

Từ đầu năm 2021, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên xảy ra 2 đợt dịch COVID-19. Ngay từ khi có ca dương tính với SARS-CoV-2 trong cộng đồng, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã quyết liệt chỉ đạo các đơn vị bám sát tình hình thực tế để thực hiện linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch và bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các chỉ tiêu kinh tế năm 2021 của Hưng Yên dự kiến đạt kết quả tích cực.

Từ đầu năm đến nay, sản xuất công nghiệp chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch bệnh. Các doanh nghiệp tại Hưng Yên luôn trong tình trạng vừa tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, vừa tiến hành các hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa tìm kiếm thị trường mới. Do thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, các doanh nghiệp vẫn hoạt động tích cực.

olivi25-9-2021-1638261924.jpg
Ảnh minh họa.

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 ước tăng 8,16% (kế hoạch năm tăng 8%). Giá trị sản xuất nông nghiệp và thủy sản ước đạt hơn 13.200 tỷ đồng, tăng trưởng hơn 2,4% (kế hoạch năm tăng 2,2%). Thương mại, dịch vụ cũng là lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch nhưng năm 2021 Hưng Yên vẫn duy trì tăng trưởng với mức tăng giá trị sản xuất ước đạt khoảng 3%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ ước đạt gần 45.000 tỷ đồng, đạt 101,5% kế hoạch, tăng 5,98%; trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tăng 6,35%; dịch vụ lưu trú, ăn uống ước giảm 27,2%; dịch vụ du lịch và lữ hành ước giảm 60,5%...

Tỉnh Hưng Yên đã chỉ đạo thực hiện tốt việc đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường phục vụ người tiêu dùng, đặc biệt trong các khu vực thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội. Đồng thời, sẵn sàng tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại trong điều kiện dịch COVID-19, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá. Do đó, chỉ số giá tiêu dùng bình quân năm 2021 ước tăng 1,15% so với năm 2020.

Bên cạnh đó, việc thu ngân sách gặp khó khăn do tác động từ dịch COVID-19 và chính sách mới được triển khai theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021. Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực tại Hưng Yên không bị ảnh hưởng bởi dịch có số nộp ngân sách tăng đột biến so với cùng kỳ như: hoạt động kinh doanh bất động sản, đầu tư vốn, lệ phí trước bạ. Tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh năm 2021 ước đạt 17.300 tỷ đồng, đạt 127,2% kế hoạch, tăng 7,5% so với năm 2020.

*Tiếp tục thực hiện mục tiêu kép

Trong thời gian còn lại của năm, Hưng Yên vẫn đặt nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 lên hàng đầu, giữ vững thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công mục tiêu kép.

Ông Trần Quốc Văn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, trong thời gian tới tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn nữa về thích ứng an toàn, linh hoạt với các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp theo tinh thần Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ trong tình hình mới. Đảm bảo các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội; trong đó, kiểm soát chặt chẽ phòng, chống dịch trong các doanh nghiệp, nêu cao tinh thần tự giác của người dân, đặc biệt những người trở về từ vùng dịch.

Tỉnh chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tuyên truyền nâng cao ý thức phòng chống dịch, tuyệt đối không chủ quan trước dịch bệnh. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine cho toàn dân; triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch.

Ông Đặng Ngọc Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cũng cho hay, để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tỉnh tiếp tục thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Cùng với đó, đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp, áp dụng mức lãi suất cho vay linh hoạt, hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp. 

Đồng thời, đáp ứng kịp thời, đủ vốn cho nền kinh tế, chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ nhóm khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Thực hiện mở rộng tín dụng, tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Tỉnh cũng hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh đổi mới hoạt động kinh doanh thông qua hình thức thương mại điện tử nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh. Cùng đó, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các nông sản của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; tích cực thâm nhập thị trường mới trong và ngoài nước cho các nông sản có lợi thế; tiếp tục duy trì và phát triển các nhãn hiệu hàng hoá tập thể cho các nông sản của tỉnh. 

Ngoài ra, Hưng Yên tiếp tục cải thiện môi trường, đẩy mạnh thu hút đầu tư, đôn đốc các chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp số 1, số 3, số 5 hoàn thiện hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư. Hỗ trợ chủ đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp Minh Đức, Phố Nối A, Yên Mỹ, Minh Quang và các khu công nghiệp đã được quyết định chủ trương đầu tư tiếp tục thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật. 

Tỉnh giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất, nhằm tạo mặt bằng triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn, góp phần huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho đầu tư phát triển. /.