Đề xuất giảm thuế cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh

Diễn đàn phát triển thị trường khí Việt Nam với chủ đề: “Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng” được Báo SGGP và Báo ĐTTC phối hợp tổ chức diễn ra ngày 22/11 tại Hà Nội.
khi-doanh-nghiep-kinh-te-xanh-1700641111.jpg
Việc sử dụng nhiên liệu LNG ở Việt Nam vẫn đang gặp những vướng mắc, đặc biệt là cơ chế giá 

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, Chuyên gia kinh tế của Bộ Tài chính, việc phát triển cung và cầu, giá cả về khí LNG như thế nào là rất quan trọng. Hiện nay, thị trường năng lượng nói chung đang gặp vướng mắc lớn nhất là về giá, đây là “điểm nghẽn” khi đầu vào thì theo giá thị trường, còn đầu ra thì theo giá điều tiết của Nhà nước. Ông Ngô Trí Long cho rằng về cầu, quan trọng cho khí LNG chính là điện khí, cần phải tập trung phát triển. Giá cả làm sao phải cho phù hợp, bên cạnh tự do hóa giá cả, do thị trường quyết định, nhưng Nhà nước vẫn phải điều tiết để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, điện khí cũng không ngoại lệ. Với nhu cầu sử dụng điện hiện tại của nền kinh tế, các dự án điện dùng nhiên liệu LNG đang nổi lên là một xu thế tất yếu trong giai đoạn tới.

Tuy nhiên, việc sử dụng nhiên liệu LNG ở Việt Nam vẫn đang gặp những vướng mắc nhất định, đặc biệt là cơ chế giá. Giá nhiên liệu LNG đầu vào chiếm tới 70-80% giá thành điện bán ra nên nếu sử dụng nhiên liệu giá cao thì dự án khó có thể tham gia thị trường điện, do đó có ý kiến cho rằng cần có cơ chế giá phù hợp cho thị trường LNG Việt Nam trong sản xuất điện. Vậy nên cần nghiên cứu thành lập một hay một vài trung tâm đầu mối chuyên nhập khẩu LNG cung cấp cho các nhà máy điện, đầu mối này phải được quản lý và giám sát của nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch, chặt chẽ thị trường LNG trong nước.

Theo chuyên gia Ngô Trí Long, giá LNG tại thị trường Việt Nam được xác định dưới tác động ảnh hưởng bởi 2 yếu tố chính. Một là, giá nhập khẩu LNG từ thị trường thế giới về đến Việt Nam và chi phí tiếp nhận, tồn trữ, tái hóa, phân phối LNG trên thị trường Việt Nam. Hai là, giá nhiên liệu cạnh tranh hoặc tổng giá trị cạnh tranh tương đương.

Từ 2 yếu tố chính đó, đối với LNG cung cấp cho khách hàng điện cần có hướng dẫn cụ thể phương pháp xác định giá phát điện từ nguồn LNG bao gồm cả giá nhiên liệu và giá vận chuyển nhiên liệu cũng như phương thức chào giá và phát điện lên hệ thống điện quốc gia.

Để tránh nhiều dự án điện khí bị chậm nhiều năm hoặc khó khăn không thể thực hiện được do năng lực chủ đầu tư, cần có cơ chế lựa chọn chủ đầu tư có đủ năng lực và kinh nghiệm. Vấn đề này đã có quy định trong pháp luật về đấu thầu, nhưng hiện chưa có cơ chế đầu thầu chung để chọn chủ đầu tư. Thẩm quyền lựa chọn không thống nhất, khi thì là Chính phủ, hay giao cho bộ, khi thì giao cho tỉnh gây lúng túng cho các bên liên quan.

PGS. TS Ngô Trí Long đề xuất cần sớm hoàn thiện chính sách, cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào dự án điện khí LNG trong nước, sớm hoàn thiện và ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy phạm của Việt Nam trong việc xây dựng kho cảng và nhập khẩu khí LNG hay xem xét giảm thuế nhập khẩu LNG và các thiết bị, máy móc xây dựng nhà máy điện; giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp đầu tư phát triển năng lượng xanh để thúc đẩy đầu tư./.

Tuấn Trần