Để nước mắm truyền thống vươn xa

Tuần lễ giới thiệu, kết nối ẩm thực nông sản Việt Nam gắn với hệ thống cơ quan ngoại giao, tham tán nước ngoài ở Việt Nam năm 2023 là dịp quảng bá, phát huy giá trị văn hóa bản địa, lan tỏa ra thị trường thế giới.
san-xuat-nuoc-mam-1698465455.jpg
Để nước nắm truyền thống vươn xa. Ảnh minh họa

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp, với hơn 3.260 km đường bờ biển từ Bắc vào Nam, 28 tỉnh thành có bờ biển, nhiều địa phương có các sản phẩm mắm và nước mắm truyền thống.

Trong đó, các địa phương có đặc sản nước mắm phải kể đến như Kiên Giang, An Giang, Châu Đốc... Đây là những sản phẩm kết tinh từ giá trị tài nguyên bản địa truyền thống văn hóa cùng với khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo ra sản phẩm vừa mang tính truyền thống, đáp ứng nhu cầu hiện đại. Nước mắm cũng là yếu tố tạo ra sự khác biệt giữa ẩm thực của Việt Nam với ẩm thực các nước trên thế giới.

Kể từ năm 2018, Chính phủ triển khai Chương trình Mỗi xã Một sản phẩm (One Commune, One Product), đến nay có hơn 10.000 sản phẩm OCOP và trên 70% nằm trong nhóm nông sản thực phẩm. Tuy nhiên, đặc sản mắm và mắm truyền thống của các vùng miền chưa tiếp cận đến nhiều người dân trong nước và ở thị trường nước ngoài. Do vậy, Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp phối hợp với Hiệp hội Nước mắm truyền thống Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam tổ chức tọa đàm giới thiệu văn hóa nước mắm và ẩm thực Việt Nam với một số cơ quan ngoại giao, Tham tán nước ngoài tại Việt Nam.

Hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam cũng nhìn nhận, hành trình mang lại bản sắc riêng cho nước mắm truyền thống Việt Nam không phải ngày một ngày hai mà hàng thiên niên kỷ. Nó là sự kết tinh tinh hoa văn hóa của nhiều thế hệ người Việt, cũng nhờ đó đã mang lại những nét văn hóa ẩm thực rất Việt. Bước đầu nghề làm nước mắm truyền thống đã được ghi nhận bằng việc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian nghề làm nước mắm Phú Quốc và Nghề làm nước mắm Nam Ô được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Tuy nhiên, để xuất khẩu nước mắm truyền thống, ngoài nỗ lực của các chủ thể và doanh nghiệp thì sự quan tâm, đồng hành của các cơ quan quản lý, cơ quan xúc tiến thương mại là vô cùng quan trọng.

Đồng thời, để nước mắm truyền thống có một chỗ đứng trên sân nhà. Ngoài câu chuyện của cạnh tranh, quyền lựa chọn của người tiêu dùng, sự nỗ lực cải tiến chất lượng, dịch vụ của các thương hiệu nước mắm truyền thống vai trò cơ quan quản lý nhà nước cũng rất lớn. Doanh nghiệp và người sản xuất cần có một hành lang pháp lý rõ, không mập mờ khái niệm, định nghĩa, chất lượng… và sự hỗ trợ tính đến đặc thù của nghề sản xuất truyền thống .

Đông Nghi