Đề án 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội còn vướng từ chính sách cho tới nguồn vốn

Trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. Việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn; còn ít ngân hàng tham gia cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội. Điều này khiến việc triển khai đề án căn hộ nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn.

Chiều 17/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp về tình hình triển khai, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

nha-o-xahoi-05-1715954542.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. (Ảnh VGP)

Tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai nhà ở xã hội

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn Phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Bộ trưởng Tài Chính Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Tài Nguyên Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng, cùng lãnh đạo các bộ ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam.

Cuộc họp nhằm bàn cách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về nhà ở xã hội, tình hình triển khai, kết quả thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

nha-o-xahoi-06-1715954653.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy thực hiện Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội". (Ảnh VGP)

Báo cáo tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổ chức Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Bộ Xây dựng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành văn bản số 123/TB-VPCP ngày 27/3/2024 thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị.

Bộ Xây dựng đã hoàn thiện 05 Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở 2023, và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 và Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội đề nghị hiệu lực sớm 02 Luật, từ 01/7/2024.

Tập trung đôn đốc các địa phương khẩn trương triển khai các mục tiêu của Đề án và Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 123/TB-VPCP ngày 27/3/2024 về tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội thành lập đoàn công tác làm việc với UBND thành phố Hà Nội và đã ban hành văn bản số 53/TB-BXD ngày 23/4/2024 thông báo kết luận của đoàn công tác về việc thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố Hà Nội.

nha-o-xahoi-02-1715952058.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại phiên họp.

Bộ Xây dựng cũng đã làm việc với lãnh đạo 3 tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn và trả lời các kiến nghị của 3 địa phương liên quan đến các chính sách phát triển nhà ở xã hội và yêu cầu các địa phương tập trung thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, đảm bảo đáp ứng mục tiêu của Đề án và góp ý Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, trong đó có nội dung về nhà ở cho lực lượng vũ trang. 

Trên cơ sở khẩn trương triển khai theo chỉ đạo của Thủ tướng đã đạt được một số kết quả quan trọng. Đặc biệt về công tác hoàn thiện thể chế đã có nhiều văn bản nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc triển khai nhà ở xã hội.

Về kết quả triển khai thực hiện dự án nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn tăng 4 dự án, 6.950 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024, trong đó số lượng dự án hoàn thành là 75 dự án với quy mô 39.884 căn, tăng 3 dự án, 1.756 căn so với thời điểm báo cáo ngày 15/3/2024. 

Số lượng dự án đã khởi công xây dựng là 128 dự án với quy mô 115.379 căn; Số lượng dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư là 300 dự án với quy mô 262.937 căn.

Về nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ thì hiện nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank thì có thêm Ngân hàng Tiên Phong (TPbank) và VPBank đã có văn bản đăng ký tham gia chương trình với số tiền đăng ký của mỗi ngân hàng là 5.000 tỷ đồng. Đến nay, các ngâng hàng thương đã giải ngân với số tiền là 1.144 tỷ đồng.

Nhiều địa phương chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện dự án nhà ở xã hội

Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, tồn tại và nguyên nhân nhất là về cơ chế, chính sách như Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh Bất động sản 2024 đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đơn giản thủ tục và các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội;... Tuy nhiên, đến nay Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 chưa có hiệu lực thi hành.

Đối với các địa phương vẫn còn có nơi chưa thực hiện tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo; chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra; nhiều tỉnh, thành phố lớn, tập trung nhiều khu công nghiệp có tỷ lệ thực hiện nhà ở xã hội còn thấp so với mục tiêu của Đề án “ Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, như các tỉnh: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đã Nẵng, Cần Thơ, Long An...

Chưa kịp thời điều chỉnh chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của địa phương để phù hợp với mục tiêu của Đề án; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án; chưa giao nhiệm vụ cụ thể, nâng cao trách nhiệm của các Sở, ban, ngành, địa phương trong việc phát triển nhà ở xã hội nhằm thực hiện bằng được các chỉ tiêu của Đề án.

nha-o-xahoi-03-1715952117.jpg
Bộ trưởng Tài Nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu tại Phiên họp.

Một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng; Một số cấp chính quyền địa phương chưa thực sự quyết tâm, quyết liệt, còn hiện tượng sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ.

Các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, gặp khó khăn trong việc  tiếp cận đất đai như quy hoạch bố trí quỹ đất, việc công khai dự án thu hút đầu tư; Một số dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn chủ đầu tư, tuy nhiên việc triển khai còn chậm triển khai đầu tư xây dựng còn chậm; Một số doanh nghiệp còn khó khăn về nguồn vốn

Việc giải ngân nguồn vốn tín dụng ưu đãi 120.000 tỷ đồng còn chậm so với mong muốn và nhu cầu thực tiễn; còn ít ngân hàng tham gia cho vay hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội.

Mở room tín dụng chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng

Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ Xây dựng và các Bộ, ngành, địa phương cùng phối hợp, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án cũng như Thông báo kết luận số 123/TB-VPCP ngày 27/3/2024, trong đó Các Bộ, cơ quan: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên Môi trường, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung xây dựng, sớm trình Chính phủ ban hành các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội như: Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Trong đó, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về phát triển nhà ở xã hội, nhất là về thủ tục đầu tư; quy hoạch, bố trí quỹ đất… trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền. Trình Chính phủ xem xét ban hành ngay trong tháng 5/2024, làm cơ sở để Chính phủ xem xét, trình Quốc hội cho phép các Luật nêu trên có hiệu lực sớm, dự kiến 01/7/2024.

Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đôn đốc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội triển khai mục tiêu Đề án trong tháng 5/2024.

Đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích thêm các ngân hàng thương mại tham gia chương trình cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng và mở các room tín dụng tạo điều kiện cho các ngân hàng thực hiện.

nha-o-xahoi-04-1715951979.jpg
Từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 503 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai với quy mô 418.200 căn. (Ảnh minh họa)

Nghiên cứu xây dựng và cung cấp gói tín dụng cho người mua nhà xã hội với thời hạn vay từ 10 đến 15 năm, lãi suất ưu đãi thấp hơn 3 - 5% so với cho vay thương mại thông thường để đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp có cơ hội, động lực để mua nhà.

Tiếp tục nghiên cứu, xem xét hạ mức lãi suất cho vay nguồn vốn hỗ trợ 120.000 tỷ đồng phù hợp tình hình thực tiễn.

Các địa phương tập trung, khẩn trương triển khai các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Đề án cũng như Thông báo kết luận số 123/TB-VPCP ngày 27/3/2024; Khẩn trương lập, sửa đổi, bổ sung Chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương, trong đó làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp, lực lượng vũ trang nhân dân. Có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, quy hoạch quỹ đất phát triển nhà ở xã hội cụ thể, rõ ràng hằng năm để làm cơ sở triển khai, tổ chức thực hiện. Rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội. Quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô phù hợp, đảm bảo an sinh xã hội, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Các địa phương chủ động bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm nhà ở xã hội. Tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm triển khai công khai minh bạch. Chỉ đạo, kiểm tra việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phải đảm bảo chất lượng, có đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các dịch vụ thiết yếu như đối với các dự án nhà ở thương mại.

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương xây dựng kế hoạch, mục tiêu, số lượng cụ thể xây dựng nhà ở xã hội năm 2025 và giai đoạn 2026-2030, gửi Bộ Xây dựng tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30 tháng 11 năm 2024.

Các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội lập tiến độ, chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, tài chính, áp dụng công nghệ mới nhằm rút ngắn thời gian thi công. Đối với các dự án nhà ở xã hội đã lựa chọn chủ đầu tư: đề nghị các chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục pháp lý để khởi công xây dựng theo các đồ án quy hoạch và chấp thuận chủ trương đầu tư đã được phê duyệt./.

PV