Đẩy nhanh thời gian xóa bỏ thuế khoán

Nghe đọc bài
0:00
  • Giọng mặc định
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân. Điểm nổi bật của Nghị quyết là đã đẩy nhanh thời điểm xóa bỏ thuế khoán với hộ kinh doanh từ ngày 1/1/2026, thay vì ngày 1/7/2026; đồng thời quy định không hồi tố quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 9, ngày 17/5, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển kinh tế tư nhân, với 429/434 đại biểu tán thành (đạt 89,75%).

Đối tượng áp dụng của Nghị quyết bao gồm doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và tổ chức, cá nhân khác có liên quan và có hiệu lực từ ngày 17/5.

Báo cáo giải trình về dự thảo Nghị quyết, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, việc bỏ thuế khoán đối với hộ kinh doanh là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, nhằm minh bạch hóa hoạt động của hộ kinh doanh, bảo đảm sự bình đẳng về chế độ thuế cho hộ kinh doanh và doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp. 

thue-khoan-2-1747537057.jpg
Xóa bỏ thuế khoán nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Ghi nhận những góp ý, đề xuất của các đại biểu Quốc hội, Nghị quyết đã đẩy nhanh thời gian xóa bỏ thuế khoán từ ngày 1/1/2026, thay vì ngày 1/7/2026 như trước. Từ 2026, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo pháp luật về quản lý thuế. Nghị quyết cũng đã quy định Nhà nước hỗ trợ cung cấp miễn phí các nền tảng, phần mềm kế toán dùng chung cho hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, việc ngừng thu, nộp lệ phí môn bài cũng sẽ được áp dụng từ ngày 1/1/2026. Đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần cấp lại, cấp đổi giấy tờ sau khi thực hiện sắp xếp, tổ chức lại bộ máy nhà nước sẽ không bị thu phí, lệ phí.

Đặc biệt, trong Nghị quyết, các nguyên tắc xử lý vi phạm và giải quyết vụ việc trong hoạt động kinh doanh đã được “nới lỏng”, nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân. Theo đó, Nghị quyết phân định rõ ràng giữa trách nhiệm của phạm nhân với trách nhiệm của cá nhân trong xử lý vi phạm; giữa trách nhiệm hình sự với trách nhiệm hành chính, trách nhiệm dân sự; giữa trách nhiệm hành chính với trách nhiệm dân sự.

thue-khoan-1747537057.jpg
Việc xử lý vi phạm trong hoạt động kinh doanh đã được “nới lỏng” nhằm tạo điều kiện cho khu vực kinh tế tư nhân. (Ảnh minh họa)

Những vụ việc, vi phạm về dân sự, kinh tế sẽ ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự, kinh tế, hành chính trước. Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân được chủ động khắc phục vi phạm, thiệt hại. Trong trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì không áp dụng xử lý hình sự.

Các vi phạm ở mức xử lý hình sự thì ưu tiên việc chủ động khắc phục hậu quả kinh tế. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để cơ quan tiến hành tố tụng xem xét khi quyết định khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và các biện pháp xử lý tiếp theo.

Nghị quyết cũng đã nêu rõ, sẽ không áp dụng hồi tố quy định pháp luật để xử lý, tránh gây bất lợi cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Đồng thời, việc niêm phong, kê biên tạm giữ, phong tỏa tài sản liên quan đến vụ việc, vụ án phải theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, phạm vi, không xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân… phải được bảo đảm. 

Nguyên Anh