Hội thảo nhằm góp phần đổi phương thức làm việc thông qua sự tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động của mỗi đơn vị, doanh nghiệp sản xuất. Việc này sẽ thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh và đem đến những hiệu quả cao hơn, những giá trị sản xuất mới hơn.
Hiện nay, chuyển đổi số trong ngành sản xuất đang được diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh. Việc áp dụng và kết hợp các công nghệ tiên tiến mang lại các lợi ích rõ rệt cho các doanh nghiệp trên nhiều phương diện. Lợi ích tiềm năng của chuyển đổi số trong lĩnh vực sản xuất dựa trên hiệu quả về chi phí và đảm bảo chất lượng, tích hợp dữ liệu, giúp đơn giản hóa các quy trình phức tạp. Các doanh nghiệp sản xuất sử dụng ít lao động hơn nhờ tự động hóa trong quá trình sản xuất giúp giảm chi phí và tăng năng suất. Hơn nữa, các giải pháp giám sát từ xa có thể cho phép các công ty sản xuất quản lý hàng tồn kho trong thời gian thực, hỗ trợ doanh nghiệp bảo trì và quản lý hệ thống máy móc tại các nhà máy từ xa, đồng thời cho phép doanh nghiệp phát hiện lỗi và kéo dài tuổi thọ của máy thông qua phân tích dữ liệu kỹ thuật số. Các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và tiền bạc về phí bảo dưỡng, sửa chữa, vận chuyển và các khoản phí khác của kỹ thuật viên chuyên nghiệp.
Ông An Ngọc Thao - Phó Tổng thư ký VINASA cho biết: “Với các giải pháp chuyển đổi số tiên tiến, kết hợp những tiến bộ của các công nghệ mới bao gồm AI, Machine learning, Internet vạn vật và phần mềm doanh nghiệp, có thể cung cấp nền tảng quản trị tập trung để đưa ra quyết định đúng đắn và nhanh chóng. Nhờ sự phát triển công nghiệp 4.0, các giải pháp phân tích dữ liệu có thể hỗ trợ các doanh nghiệp tăng năng suất, cải thiện hiệu suất và nâng cao khả năng ra quyết định để đạt được ROI (tỷ suất hoàn vốn, tỷ lệ thu hồi vốn đầu tư) tốt nhất”.
Bên cạnh đó, với hệ thống cảm biến được lắp đặt ở khắp mọi nơi trong nhà máy, người lao động có thể được cảnh báo trước các nguy cơ tiềm ẩn trong môi trường làm việc của mình. Ngoài ra, việc ứng dụng và sử dụng robot tại các khu vực làm việc nguy hiểm cũng là một trong những phương thức giúp giảm thiểu những rủi ro mang tới cho người lao động. Các giải pháp kỹ thuật số cũng giúp nhân viên luôn có động lực và đảm bảo an toàn cho họ tại nơi làm việc. Người vận hành cũng có thể dễ dàng ghi lại và chuyển dữ liệu quan trọng khi đang di chuyển, giúp đơn giản hóa các quy trình phức tạp.
TP. Hồ Chí Minh xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đặt mục tiêu phát triển dựa trên nền tảng công nghệ. Năm 2021, Thành phố chi 0,78% ngân sách cho chuyển đổi số. Con số này năm 2022 là 0,97% và dự kiến năm 2023 là hơn 1%. Thành phố đã quyết tâm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số của TP. Hồ Chí Minh do Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi làm Trưởng ban. Đặc biệt, Thành ủy đã ban hành Chỉ thị số 17-CT/TU ngày 27/8/2022 về đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh. Định hướng của thành phố trong giai đoạn tới là tiếp tục nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp, đáp ứng xu thế phát triển của thế giới và xây dựng các ngành công nghiệp sản xuất phát triển theo hướng công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, xem đây là cuộc cách mạng mang tính đột phá của Thành phố.
Ông Nguyễn Tuấn - Phó Giám đốc ITPC chia sẻ: “Việc chuyển đổi số nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất đã trở thành một nhu cầu cấp thiết. Tuy nhiên, các nhà quản lý cũng đang đối mặt với việc đưa ra quyết định chuyển đổi như thế nào trước thời kỳ bùng nổ công nghệ với số lượng gia tăng các lựa chọn tích hợp đồng thời phải gắn kèm với mục tiêu kinh doanh và phù hợp ngân sách”.
Thông qua hội thảo này, ITPC mong muốn cung cấp cho các doanh nghiệp những thông tin bổ ích, giúp doanh nghiệp thay đổi về tư duy nhân sự lao động và tối đa hoá doanh thu thông qua các lợi thế cạnh tranh độc đáo. Bên cạnh đó, ITPC cũng mong muốn là cầu nối giữa doanh nghiệp và các đơn vị cung cấp các giải pháp chuyển đổi số uy tín để giúp họ tìm được giải pháp tối ưu tăng hiệu suất hoạt động. Với những lợi ích toàn diện này, chuyển đổi số đang ngày càng thể hiện được sự hiện diện vững vàng của mình trên khắp các lĩnh vực, đặc biệt không thể thiếu đối với các doanh nghiệp sản xuất hiện nay.