Trung tâm kinh tế biển quốc gia tạo động lực để Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển bền vững kinh tế biển

Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” đưa ra 3 khâu đột phá, trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong vùng và cả nước; 4 trọng tâm và động lực phát triển mô hình kinh tế biển bền vững.

Ngày 13/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến vào Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” với sự tham dự của các nguyên lãnh đạo tỉnh, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp trên địa bàn.

kinh-te-bien-ba-ria-vung-tau-01-1715584933.jpg
Các đại biểu tham dự Hội thảo đóng góp ý kiến vào Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia”. (Ảnh BTC)

Phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia

Xây dựng và ban hành Đề án “Phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia” là một trong các nhiệm vụ quan trọng của tỉnh BR-VT nhằm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 154/NQ-CP ngày 23/11/2022 của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là những chủ trương, chính sách lớn với các giải pháp toàn diện thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới, quyết tâm của Bộ Chính trị trong việc tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ, có tính đột phá trong việc phát triển vùng Đông Nam Bộ, để Vùng tiếp tục giữ vững vị trí là đầu tàu kinh tế của cả nước.

Hội thảo lần này nhằm huy động sự đóng góp ý tưởng và sáng kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đại biểu trong việc nhận diện những vấn đề thực tiễn và đề xuất các ý tưởng, giải pháp về phát triển kinh tế biển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; qua đó tạo tiền đề cho công tác xây dựng và phác thảo Đề án nêu trên.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết Hội thảo giúp tỉnh nhận diện rõ những lợi thế cũng như các nút thắt ảnh hưởng đến sự phát triển của ngành kinh tế biển, xác định các khâu đột phá về khuôn khổ mang tính chiến lược và các giải pháp trọng tâm, động lực giúp địa phương phát triển nhằm xây dựng Đề án hiệu quả trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

kinh-te-bien-ba-ria-vung-tau-02-1715584977.jpg
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu bế mạc Hội thảo. (Ảnh BTC)

Tại Hội thảo, Trưởng nhóm tư vấn xây dựng Đề án Đỗ Thiên Anh Tuấn đã trình bày báo cáo tóm tắt nội dung đề án, đề xuất 5 quan điểm phát triển kinh tế biển đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045. Theo đó, tỉnh cần phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, sinh thái biển...

Đề án đưa ra 3 khâu đột phá, trong đó, phát triển kết cấu hạ tầng đa mục tiêu, đồng bộ, mạng lưới giao thông kết nối các trung tâm kinh tế lớn trong vùng và cả nước; 4 trọng tâm và động lực phát triển mô hình kinh tế biển (gồm: kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn); 11 giải pháp, trong đó có việc hình thành trường Đại học/Viện nghiên cứu kinh tế đại dương xanh Quốc gia tại Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn cũng đề xuất nghiên cứu và thí điểm 4 công cụ mới trong huy động nguồn lực gồm: phí đầu tư cơ sở hạ tầng, phí quyền xây dựng, phí bù đắp đa dạng sinh học và huy động trái phiếu đô thị. Đối với cơ chế, chính sách về tiếp cận đất đai và tài nguyên, Đề án đề xuất tỉnh nghiên cứu giải pháp các nước đang sử dụng như gộp đất, ngân hàng đất đai, bán quyền phát triển và thu phí đất chưa sử dụng….

Xác định rõ kinh tế biển, cảng là số 1 của Bà Rịa - Vũng Tàu

BR-VT hiện có 05 ngành kinh tế biển cơ bản, bao gồm: (1) Du lịch biển; (2) Cảng biển và dịch vụ logistics cảng biển; (3) Công nghiệp khai thác dầu khí; (4) Công nghiệp và khu công nghiệp ven biển; (5) Nuôi trồng và khai thác thủy sản.

Trong đó, BR-VT có điều kiện thuận lợi và tiềm năng lớn trong phát triển cảng biển với 53 cảng đang khai thác (tổng chiều dài bến cảng 19,4km; tổng công suất gần 180 triệu tấn/năm); 22 kho bãi và logistics chuyên dùng với tổng diện tích 256 ha. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, các cảng biển trên địa bàn tỉnh có sự phân mảnh lớn nên cầu tàu ngắn và nhỏ làm giảm hiệu quả của cảng;

Hoạt động của các kho bãi cũng còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu; vẫn chưa có trung tâm logistics đúng nghĩa, chưa có cảng cạn, các kho ngoại quan hay các khu phi thuế quan… Nhìn chung, BR-VT cần có chính sách liên kết, sáp nhập các bến cảng để đạt quy mô lớn hơn BR-VT; đồng thời chú trọng phát triển dịch vụ logistics tương xứng.

Trong ngành công nghiệp khai thác dầu khí, BR-VT có vai trò quan trọng hàng đầu, được xem là cái nôi của ngành. Bên cạnh những thành quả đã đạt được trong những giai đoạn trước, ngành dầu khí cũng đang gặp không ít khó khăn, thách thức do trữ lượng dầu khí vùng gần bờ đã dần cạn kiệt, ảnh hưởng đến khả năng khai thác lâu dài.

Trong lĩnh vực du lịch, trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch của BR-VT trực tiếp và gián tiếp đóng góp gần 9.000 tỷ đồng vào GRDP của tỉnh. Tuy nhiên, lượng khách du lịch đến BR-VT chủ yếu vẫn là khách nội địa; lượng khách quốc tế còn khiêm tốn, chỉ đạt 500 ngàn lượt trước thời điểm bùng phát dịch Covid-19, giảm mạnh trong giai đoạn 2020-2021 nhưng đã bắt đầu phục hồi trở lại trong năm 2022.

kinh-te-bien-ba-ria-vung-tau-03-1715584918.jpg
Cảng quốc tế Gemalink, cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại khu vực Cái Mép - Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). (Ảnh minh họa)

Về phát triển công nghiệp ven biển, trên địa bàn tỉnh hiện có 13 khu công nghiệp đang hoạt động và 2 khu công nghiệp chuẩn bị đầu tư. Các KCN này đều nằm ở những khu vực gần biển, có lợi thế tiếp cận cảng biển thuận tiện nhằm thu hút đầu tư. Nhận thức được nguy cơ xả thải gây ô nhiễm môi trường nên BR-VT luôn xác định thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển.

Ngoài các ngành kinh tế biển hiện có, BR-VT cũng thực hiện chủ trương phát triển năng lượng tái tạo với 07 dự án điện mặt trời nối lưới đã được đưa vào vận hành thương mại, có tổng công suất là 288MWp; đồng thời đang xem xét chủ trương đầu tư dự án điện gió công suất 102,6MW.

Đây là lần thứ 2, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo để đóng góp ý kiến vào Đề án này, sau lần đầu tiên vào ngày 15/4 vừa qua.

Tại đây, nhiều ý kiến của nguyên lãnh đạo tỉnh, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp đã đề cập đến việc tỉnh cần xác định rõ kinh tế biển, cảng là số 1 của địa phương; từ đó lan tỏa ra các ngành kinh tế khác.

Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cần xác định rõ, xây dựng Trung tâm kinh tế biển cho cả quốc gia chứ không phải chỉ riêng của tỉnh. Vì vậy, Đề án cần đưa ra giải pháp cụ thể để triển khai như xây dựng được cơ chế hình thành đội tàu vận tải biển, dịch vụ bờ; xây dựng một hệ thống nghiên cứu về biển phục vụ phát triển; xác định rõ nội dung liên kết vùng, lộ trình cụ thể. Việc phát triển kinh tế biển dựa trên nền tảng cảng biển. Do đó, tỉnh cần xây dựng một cảng tầm cỡ quốc tế tại Cái Mép-Thị Vải.../.

Bình Nguyên