Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam Nicolai Prytz bày tỏ nguyện vọng trên khi trả lời phỏng vấn Báo Điện tử Chính phủ trước thềm chuyến thăm sắp tới của Hoàng thái tử Frederik và Công nương Mary của Đan Mạch tới Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra vào đầu tháng 11/2022.
Hướng tới Đối tác chiến lược xanh
Đại sứ cho biết, trước những thách thức ngày càng gia tăng từ biến đổi khí hậu, Đan Mạch theo đuổi mục tiêu "quốc gia xanh" để phát triển bền vững hơn.
"Chúng tôi muốn đưa mục tiêu xanh vào chính sách đối ngoại của mình trong mối quan hệ với một số đối tác chính của mình trên thế giới. Cho đến nay, Đan Mạch mới chỉ xây dựng GSP với một số ít quốc gia như Ấn Độ, Hàn Quốc và Nam Phi.
Đan Mạch thực sự mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác tương tự với Việt Nam vì Việt Nam có nhiều tiềm năng và tham vọng chuyển đổi năng lượng theo hướng bền vững hơn.
GSP sẽ bổ sung nền tảng vững chắc cho quan hệ hiện có giữa Việt Nam và Đan Mạch với trụ cột là Hiệp định Đối tác toàn diện Việt Nam-Đan Mạch được thiết lập từ năm 2013.
Ngoài ra, GSP cũng dự kiến sẽ hỗ trợ Việt Nam hiện thực hóa tiềm năng to lớn về chuyển đổi xanh và các cam kết về biến đổi khí hậu.
Đại sứ kỳ vọng GSP sẽ được cấp lãnh đạo cao nhất của hai nước ký kết trong thời gian tới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác bền chặt hơn nữa khi Việt Nam và Đan Mạch bước vào chặng đường 50 năm quan hệ song phương tiếp theo.
Trong nhiệm kỳ bốn năm tại Việt Nam, Đại sứ cũng mong muốn sẽ tăng cường và nâng quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Đan Mạch lên một tầm cao mới.
Chương trình nghị sự xanh
Nhân dịp này, Đại sứ Nicolai Prytz bày tỏ kỳ vọng cao về chuyến thăm sắp tới của Thái tử Frederik và Công nương Mary mà ông gọi là "cơ hội tuyệt vời và sự kiện tuyệt vời".
Chuyến thăm chính thức có giá trị biểu tượng rất lớn, nhấn mạnh tình hữu nghị tuyệt vời giữa Đan Mạch và Việt Nam.
Đại sứ tin rằng chuyến thăm sẽ là cơ hội tốt để vợ chồng Thái tử Đan Mạch và các lãnh đạo cấp cao Việt Nam tập trung hơn vào chương trình nghị sự xanh.
Theo ông Nicolai Prytz, trong chuyến thăm đến Việt Nam, vợ chồng Thái tử dự kiến sẽ tham gia hai hội nghị quan trọng về phát triển điện gió ngoài khơi và sử dụng năng lượng hiệu quả.
Một số công ty năng lượng điện gió của Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam, nhưng với chuyến thăm, lãnh đạo một số công ty điện gió khác có trụ sở tại Đan Mạch (trong số 36 doanh nghiệp tháp tùng) sẽ có nhiều cơ hội tìm hiểu về thị trường Việt Nam cũng như những tiềm năng tại đây.
Đặc biệt, vợ chồng Thái tử dự kiến tham dự lễ động thổ nhà máy trung hoà carbon đầu tiên trên thế giới của LEGO tại Bình Dương, đánh dấu mốc "xanh" mới trong dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Đây sẽ là nhà máy thứ sáu của LEGO trên thế giới và thứ hai ở châu Á, nhằm thúc đẩy sự phát triển lâu dài trong khu vực và mang đến những trải nghiệm thú vị cho trẻ em trong những năm tới.
Lợi ích chung
Theo Đài Deutsche Welle (Đức) mới đây đưa tin, nhiều công ty Đan Mạch đang đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam, trong bối cảnh vị thế của Việt Nam ngày một tăng và trở thành trung tâm sản xuất công nghệ quan trọng của khu vực cũng như thế giới.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết mạnh mẽ: Việt Nam sẽ đạt mức phát thải ròng khí nhà kính bằng 0 vào năm 2050.
Hiện tại, Việt Nam đang đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo để thúc đẩy cam kết trên. Việt Nam có tốc độ tăng trưởng sản xuất năng lượng tái tạo nhanh nhất Đông Nam Á và nằm trong số 10 quốc gia sản xuất điện mặt trời hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo mới chiếm hơn 11% tổng sản lượng điện toàn hệ thống.
Việt Nam có lợi thế tự nhiên về gió ngoài khơi. Với hơn 3.000 km bờ biển, mực nước nông và tốc độ gió ổn định, Việt Nam hội tụ các điều kiện để phát triển các dự án điện gió ngoài khơi đáng tin cậy và có khả năng cạnh tranh về chi phí.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Đan Mạch đang có xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng, chống lại vấn đề đứt gãy chuỗi cung cầu trong bối cảnh thế giới ngày càng nhiều bất ổn, từ chiến tranh đến bệnh dịch COVID-19. Việt Nam nổi lên là một thị trường hấp dẫn các doanh nghiệp Đan Mạch.
Hai bên đang có khá nhiều lợi ích chung, đặc biệt trong các lĩnh vực mà Đan Mạch có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu như năng lượng, nông nghiệp, thực phẩm, chuyển đổi số.
Thương mại và đầu tư của Đan Mạch với Việt Nam đều tăng mạnh trong năm 2022
Trong nửa đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch đạt 2,31 tỷ Kron Đan Mạch (hơn 300 triệu USD), tăng 44,3% so với cùng kỳ năm 2021. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu 895,1 triệu Kron Đan Mạch (116 triệu USD), giảm 8,8% so với cùng kỳ năm 2021, theo số liệu Bộ Ngoại giao Đan Mạch.
Đan Mạch cũng nổi lên là 1 trong 5 nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam, phần lớn nhờ vào cam kết đầu tư trị giá 1 tỷ USD của Tập đoàn LEGO để xây dựng nhà máy đầu tiên của họ tại Việt Nam.