Đảm bảo hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân vùng lũ lụt
Theo báo cáo sơ bộ từ Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên, các hệ thống phân phối tại tỉnh đã tăng gấp đôi nguồn cung ứng hàng hóa rau, củ, quả tươi sống, đảm bảo không xảy ra tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến, tăng thêm thời gian mở cửa kéo dài tới 23 giờ, thay vì 22 giờ như ngày thường.
Sở Công thương Tỉnh Lào Cai cho biết lượng hàng hóa như nước lọc, mì tôm thời điểm sáng 10/9 khan hiếm, tuy nhiên đã được bổ sung ngay để đảm bảo nhu cầu của người dân.
Theo chia sẻ của các siêu thị trên địa bàn tỉnh Lào Cai, lượng người dân đi mua sắm đồ thực phẩm thiết yếu trong 2 ngày gần đây đã tăng gấp 3 so với thông thường, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như rau củ, quả, thịt cá, hàng khô, mì, trứng và nước.
"Mặt hàng rau lá thì có phần hơi bị hụt hàng do các tỉnh miền Bắc mình đang bị ngập. Chúng tôi đã kịp thời bổ sung hàng hóa qua các loại rau củ để đảm bảo nhu cầu người dân tại địa phương và cũng đã tăng cường giao hàng từ kho của chúng tôi từ các tỉnh miền Trung, rau của quả Đà Lạt", ông Nông Văn Hà - Giám đốc Siêu thị GO! Lào Cai cho biết.
Hàng hóa không khan hiếm, đó là khẳng định của Sở Công thương các tỉnh vùng núi phía Bắc. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là việc vận chuyển nhu yếu phẩm cho các vùng bị cô lập do bão, vì thế các địa phương phải huy động lực lượng lớn thuyền, áo phao và có phương án cụ thể cho các huyện ngập sâu.
Ông Vũ Vinh Quang - Giám đốc Sở Công thương Tỉnh Yên Bái cho biết: "Phải bố trí cả phương tiện vận tải của quân đội cộng với xuồng đến vùng Trấn Yên, gần huyện thì bắt đầu đi xuồng. Sở Công thương Tuyên Quang, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, đặc biệt là Hà Nội, khi ở trên này thiếu thì trong vòng 2-3 tiếng người ta sẽ bố trí xe vận chuyển lên ngay, do vậy nguồn cung ứng cũng rất chủ động".
Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường Trong nước, Bộ Công Thương cho hay: "Giá cả các mặt hàng, thiết bị cơ bản và ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, ngoại trừ một số loại rau xanh có tăng giá nhẹ là do mặt hàng này thì khó bảo quản. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân bình tĩnh, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và lực lượng chức năng trong việc khắc phục thiệt hại và dự trữ nguồn nhu yếu phẩm đủ dùng".
Đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát tình hình của các địa phương và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 90 để có phương án cụ thể đối với từng địa phương trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng điều tiết và vận chuyển hàng hóa, phục vụ người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Người dân không nên tích trữ nhu yếu phẩm quá mức cần thiết
Tình hình cung ứng hàng hóa thiết yếu tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc được bảo đảm, không xảy ra biến động lớn về giá. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không tích trữ nguồn nhu yếu phẩm quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.
Trong bối cảnh nhiều địa phương miền Bắc chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3, nhiều doanh nghiệp phân phối đã ngay lập tức triển khai kế hoạch thu hoạch, vận chuyển và phân phối nông sản từ miền Nam ra miền Bắc.
Theo đó, ngay từ ngày 8/9, gần 100 tấn rau củ đã được WinEco vận chuyển mỗi ngày từ miền Nam và Lâm Đồng ra miền Bắc. Đây là nỗ lực của WinEco nhằm đảm bảo nguồn cung cấp rau củ cho người dân, nhất là các loại rau phổ biến như mồng tơi, cải ngọt, cải xanh, cải chíp, mướp đắng...
MM Mega Market cũng tăng gấp 3 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ trạm cung ứng tại Lâm Đồng ra các tỉnh phía Bắc với số lượng lên đến 40 tấn rau củ. Sau khi ra đến Hà Nội, MM Mega Market vận chuyển nguồn hàng tươi sống đi khắp các tỉnh Bắc Trung Bộ, đặc biệt là đưa vào hệ thống phân phối tại Quảng Ninh, Hải Phòng... để cung cấp kịp thời cho nhu cầu của người dân.
Tương tự, hệ thống Co.op Mart cũng chủ động tăng lượng hàng dự trữ lên gấp 3 lần so với ngày thường. Các mặt hàng được tăng cường dự trự bao gồm rau xanh, củ quả, gạo, mì ăn liền, bún ăn liền, đường, dầu ăn... Các siêu thị Co.op Mart ở những tỉnh không bị ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 3 cũng sẵn sàng cung ứng hàng hóa cho những điểm bán cần thiết.
“Hiện nay đối với việc cung ứng hàng hóa sau bão, Saigon Co.op sẽ cung ứng từ nguồn của Trung tâm phân phối ở Bắc Ninh là chủ yếu, bên cạnh đó là Trung tâm phân phối Bình Dương đang có những chuyến xe cung ứng hàng hóa...”, ông Lê Văn Liêm - Giám đốc khu vực miền Bắc - Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) - vận hành hệ thống Co.opMart cho biết.
Theo cập nhật của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), về cơ bản hệ thống phân phối, bán lẻ vẫn phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân, không có hiện tượng thiếu hàng sốt giá, kể cả ở những vùng đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão số 3.
“Qua báo cáo tình hình từ các Sở Công Thương, đến sáng 10/9, nguồn cung hàng hóa và giá cả các mặt hàng thiết yếu cơ bản ổn định, không có sự thay đổi nhiều về giá, ngoại trừ một số loại rau xanh có tăng giá nhẹ do khó bảo quản. Bộ Công Thương khuyến cáo người dân không tích trữ nguồn nhu yếu phẩm quá mức cần thiết để ưu tiên các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 gây ra.
Bộ Công Thương liên tục giữ liên lạc và chỉ đạo Sở Công Thương, các doanh nghiệp phân phối, nhà cung cấp cập nhật diễn biến hàng hóa tại các tỉnh thành phố bị ảnh hưởng. Đặc biệt là các tỉnh Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái và một số tỉnh thành khác để có thể hỗ trợ cung ứng hàng hóa thiết yếu cho các địa phương…”, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết.
Hiện, lực lượng quản lý thị trường tại các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão số 3 cũng đang tăng cường triển khai công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi đầu cơ, găm hàng, trục lợi khi nhu cầu hàng hóa tăng cao, gây bất ổn thị trường./.