Đắk Lắk sẽ triển khai trồng mới gần 2.300 ha rừng bắt đầu từ năm nay

Đắk Lắk đặt ra mục tiêu phát triển tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn toàn tỉnh đạt 5.844 ha đến năm 2030, theo Kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030”.

Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 2.244 ha, đồng thời sẽ phát triển mới khoảng 2.275 ha rừng trong giai đoạn 2024 - 2030. Đáng chú ý, tỉnh sẽ chú trọng nâng cao năng suất rừng trồng thâm canh các loại cây như cây keo, bạch đàn cùng một số loại cây có tiềm năng phát triển và hiệu quả cao, như: căm xe, gáo vàng, sao đen, dầu rái, cẩm lai, chiêu liêu, giổi xanh, thông ba lá, giáng hương, cà te, tếch...

mot-khoanh-rung-trong-tai-xa-ea-trang-huyen-mdrak-1718694733.jpg
Một khoảnh rừng trồng tại xã Ea Trang, huyện M'Drắk.

Được biết, các loại cây này có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 20 m3/ha/năm vào năm 2025 và 22 m3/ha/năm vào năm 2030. Việc đưa các loại cây này vào trồng mới các cánh rừng sẽ giúp Đắk Lắk nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp của địa phương trong tương lai.

Để thực hiện mục tiêu, UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương và các chủ rừng phối hợp rà soát, đánh giá diện tích đất trống và rừng trồng sản xuất hiện có. Trên cơ sở đó, xác định diện tích đất phù hợp để trồng mới hoặc trồng lại rừng theo hướng thâm canh kinh doanh gỗ lớn. Ngoài ra, công tác kiểm soát chất lượng giống, đưa vào các loại  giống có năng suất, chất lượng cao được khuyến khích.

Song song đó, tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng nghiên cứu, triển khai thực hiện những cơ chế đầu tư, hỗ trợ đầu tư cũng như khuyến khích các thành phần tham gia thực hiện bảo vệ và phát triển rừng. Một số vấn đề khác như huy động nguồn vốn xã hội hóa, chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng lâm nghiệp tại các vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn tập trung, … cũng được tỉnh nhấn mạnh.

nhieu-dien-tich-rung-trong-o-huyen-mdrak-duoc-nguoi-dan-va-doanh-nghiep-trong-theo-huong-ben-vung-1718694708.jpg
Nhiều diện tích rừng trồng ở huyện M'Drắk được người dân và doanh nghiệp trồng theo hướng bền vững.

Hiện nay, hoạt động trồng rừng ở Đắk Lắk đang được triển khai trồng rừng theo chứng chỉ quốc tế với sự tham gia của nhiều nông hộ và doanh nghiệp. Hoạt động này đã và đang góp phần phát triển kinh tế, nâng cao giá trị lâm nghiệp theo hướng bền vững cũng như bảo vệ môi trường. Gần đây, đã có hơn 5.500ha rừng của các nhóm hộ, doanh nghiệp với sự hỗ trợ từ Cục Lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh được cấp chứng nhận.

Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho biết đến nay toàn tỉnh hơn 497.235ha diện tích đất có rừng. Trong đó, rừng tự nhiên gần 411.931ha; rừng trồng 85.304ha; tỉ lệ che phủ rừng đạt 38,04%. Theo đánh giá của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, tiềm năng phát triển rừng trồng của tỉnh hiện nay còn rất lớn. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất thiếu nguồn lực để triển khai dù các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng… có đầy đủ về chuyên môn, kỹ thuật cũng như kinh nghiệm.

trong-nhieu-nam-qua-dak-lak-luon-lam-tot-cong-tac-trong-rung-moi-nho-ket-hop-cac-nguon-luc-cua-chinh-quyen-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-1718694667.jpg
Trong nhiều năm qua, Đắk Lắk luôn làm tốt công tác trồng rừng mới nhờ kết hợp các nguồn lực của chính quyền, doanh nghiệp và người dân.

Ông Nguyễn Quốc Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk chia sẻ: “Để phát triển mạnh rừng trồng cần có sự phối hợp, tham gia đồng bộ trong tất cả các khâu. Bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung, cần có chương trình tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp, chủ rừng và người dân để họ có thể tham gia phát triển rừng trồng gỗ lớn.”

Hiện nay, chủ trương chung của tỉnh Đắk Lắk là tạo điều kiện để các doanh nghiệp phối hợp với địa phương, chủ rừng và người dân để gia tăng diện tích rừng được cấp chứng chỉ. Theo chủ trương trên, tỉnh khuyến khích doanh nghiệp hỗ trợ trực tiếp cây giống mới, giống chất lượng cao để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng./.

Kiến Giang