Đắk Lắk phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu

Ngày 28/4, UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2022. 

Hội nghị diễn ra với chủ đề: “Thu hút đầu tư phát triển bền vững nông nghiệp hàng hóa tập trung, gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm”. Qua đó, giới thiệu rộng rãi đến cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư về thực trạng, tiềm năng, thế mạnh phát triển nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản tỉnh Đắk Lắk; tạo diễn đàn cho các tổ chức quốc tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước gặp gỡ, kết nối giao thương, tăng cường hợp tác phát triển; thu hút đa dạng hóa các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông lâm thủy sản của tỉnh.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị nhấn mạnh: "Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển sản xuất nông lâm thủy sản theo chiều sâu, tập trung, quy mô lớn, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, du lịch sinh thái, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia".

Theo thống kê, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp (theo giá hiện hành) năm 2021 xấp xỉ 75 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 1,4 lần so với năm 2015; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 5,64%/năm, cao hơn 1,5 lần so với bình quân cả nước; đã hình thành và phát triển nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, Chương trình mỗi xã 1 sản phẩm được đẩy mạnh với 72 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3-4 sao.

agrilong-cafee-1651139555.jpeg
Nông nghiệp Đắc Lắk giàu tiềm năng phát triển. Ảnh minh họa.

Tiềm năng phát triển sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến cho biết, Đắk Lắk nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên - khu vực đã được đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, giao thông đồng bộ, kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ và duyên hải miền Trung.

Đắk Lắk có tiềm năng để phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh, vùng Tây Nguyên và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, dù sở hữu nhiều loại cây công nghiệp chủ lực, có giá trị xuất khẩu lớn nhưng nông sản của Tây Nguyên chủ yếu xuất bao chứ chưa xuất gói nhiều, có nghĩa mới chủ yếu xuất khẩu thô, tỉ lệ chế biến sâu còn thấp. Do vậy, cần có giải pháp đồng bộ cả về hạ tầng, nguồn nhân lực, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi giá trị thì mới "đánh thức" Tây Nguyên.

Lợi thế phát triển

Đắk Lắk có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp với diện tích đất sản xuất nông nghiệp 650.000 ha (lớn nhất nước) và 735.000 ha đất lâm nghiệp. Cùng với đó, tỉnh khí hậu ôn hòa, địa hình đất sản xuất nông nghiệp khá bằng phẳng, đặc biệt có trên 300.000 ha đất đỏ basalt màu mỡ, được đánh giá là đất sản xuất nông nghiệp tốt nhất.

Toàn tỉnh hiện có trên 210.000 ha cà phê, 34.000 ha cao su, 32.000 ha hồ tiêu, trên 43.000 ha cây ăn quả, khoảng 110.000 ha lúa, 94.000 ha ngô; trên 14 triệu con con gia súc, gia cầm; 170.000 ha đất lâm nghiệp được quy hoạch phát triển rừng sản xuất theo hướng thâm canh, có kết hợp sản xuất nông nghiệp.

Tại Hội nghị, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, với những tiềm năng này, tỉnh đang tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao, ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, gắn với du lịch. 

Cùng với đó là xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao theo chuỗi giá trị, kết nối công nghiệp chế biến với thị trường. Từ đó, từng bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, gắn kết nông nghiệp với lâm nghiệp ở những nơi có điều kiện nhằm tạo bước phát triển đột phá cho lĩnh vực nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo hướng bền vững.

Trong Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030 định hướng đến năm 2050, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và hàng năm, tỉnh đã cụ thể hóa những tiềm năng, lợi thế và định hướng phát triển nông nghiệp đa giá trị. Đồng thời, tỉnh cũng tập trung bố trí nguồn lực để triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất. Đắk Lắk đang xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và đội ngũ cán bộ các cấp năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới và phát triển, đưa tỉnh trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh tại tỉnh, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, năng lượng tái tạo, du lịch với mong muốn hợp tác cùng phát triển. Cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cam kết sẽ phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, đồng hành cùng nhà đầu tư, doanh nghiệp trong quá trình hoạt động tại địa phương".

Từ năm 2010 đến năm 2021, Đắk Lắk thu hút 73 dự án với tổng số vốn đầu tư 4.350 tỷ đồng. Hiện nay, có 33 dự án đang làm hồ sơ thủ tục đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng; 109 dự án, khu vực đề xuất kêu gọi thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, chế biến nông, lâm, thủy sản với tổng vốn dự kiến khoảng 18.000 tỷ đồng. 

Phương Ly (t/h)