Đà Nẵng phát triển nguồn nhân lực tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu

Được nhận xét là có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch, bán dẫn của Việt Nam và thế giới, Đà Nẵng đã có những động thái nhằm đón đầu thu hút nhân lực cho ngành công nghệ, đổi mới sáng tạo này.
ktx-cong-vien-phan-mem-so-02-quang-trung-dn-1696940368.jpg
Đà Nẵng có Công viên phần mềm, có Khu công nghệ cao với nhiều ưu đãi, rất thuận lợi cho ngành bán dẫn, vi mạch phát triển - Ảnh: Cáp Vương.

Chuyến thăm mới đây của Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam được đánh dấu bằng việc hai nước chính thức nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Lần ký kết này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế hai nước, tập trung hợp tác về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là ngành công nghiệp bán dẫn. 

Nhiều triển vọng phát triển ngành công nghiệp bán dẫn

Ngành công nghiệp bán dẫn đang phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự gia tăng nhu cầu sử dụng các thiết bị điện tử, máy tính và các sản phẩm công nghệ thông tin. Đặc biệt trong thời đại số hóa hiện nay, các sản phẩm bán dẫn đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống và sản xuất của con người.

Cùng với tiềm năng thực tiễn này và cơ hội phát triển từ những trao đổi với Đối tác chiến lược toàn diện, Đà Nẵng đón đầu thu hút ngành công nghệ, đổi mới sáng tạo này bằng nhiều hoạt động xúc tiến, tìm hiểu và thu hút đầu tư. 

Ngày 10/10, Thành ủy, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, vấn đề đặt ra với thành phố Đà Nẵng”. Qua đó xác định chủ trương của Đảng, Nhà nước và kết quả quan hệ, hợp tác quốc tế là cơ hội lớn cho thành phố Đà Nẵng tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch toàn cầu; góp phần phát triển bền vững dựa vào khoa học công nghệ.

Tại buổi hội thảo, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT nhận định Đà Nẵng có nhiều cơ hội trở thành trung tâm vi mạch. Tuy nhiên, không chỉ riêng Đà Nẵng mà trên toàn cầu đang thiếu nguồn nhân lực trầm trọng. Việc Đảng và Nhà nước cũng như thành phố có chủ trương phát triển ngành công nghiệp bán dẫn là động lực tăng trưởng mới cho nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực…

Cũng tại phiên hội thảo này, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết: “Vấn đề tham gia chuỗi cung ứng bán dẫn, vi mạch với cách làm như thế nào, cần những chính sách gì, thời gian, lộ trình,... là những vấn đề đặt ra của Đà Nẵng, Lãnh đạo thành phố mong muốn các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp cùng bộ ngành tham gia đồng hành trong thời gian đến để Đà Nẵng tham gia có kết quả tích cực; góp phần đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế của thành phố”.

Thực tế, Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng rất có tiềm năng để đào tạo nguồn nhân lực thiết kế vi mạch bởi vì có nhiểu lợi thế và yếu tố hỗ trợ. Đó là sự nhạy bén và vào cuộc nhanh chóng của lãnh đạo Thành phố qua các nghị quyết, họp bàn chỉ đạo về phát triển lĩnh vực thiết kế vi mạch. Lợi thế là thành phố có dân số trẻ, cần cù chịu khó và năng động, thuận lợi cho đào tạo nguồn nhân lực mới trong lĩnh vực thiết kế vi mạch. Ngoài ra còn có vị trí địa lý chiến lược, an toàn; có Khu công nghệ cao và thuận lợi giao thông đường biển, đường bộ, đường hàng không.

Tập trung chuyên môn hóa nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn

Tại buổi hội thảo ngày 10/10, Ban lãnh đạo thành phố cho biết Đà Nẵng đang tập trung phát triển công ty thiết kế, sản xuất vi mạch. Mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số ít nhất chiếm 30% GRDP thành phố; có 8.950 doanh nghiệp công nghệ số và 115.000 nhân lực công nghệ số, đạt mức tối thiểu là 07 Khu công nghệ thông tin, Công viên phần mềm.

Ông Lê Trung Chinh - Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, trong Nghị quyết số 43 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định 5 lĩnh vực ưu tiên nguồn lực phát triển của thành phố. 

“Trong số 5 lĩnh vực ưu tiên, có 1 lĩnh vực liên quan trực tiếp đến triển khai chuyển đổi số, đó là công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số” - Ông Chinh phát biểu.

Có thể thấy, để phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch tại Đà Nẵng, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền địa phương. Đà Nẵng cần xây dựng chiến lược dài hạn để đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực này. Đồng thời, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. 

Trên thực tế, hiện thành phố có các hệ thống cơ sở đào tạo CNTT tại các trường Đại học như: ĐH Bách khoa, Duy Tân, CNTT Việt Hàn, Sư phạm Kỹ thuật, Đông Á, hay hệ thống các trường Cao đẳng CNTT, FPT Polytechnic… phục vụ tốt cho nghiên cứu phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng.

Là cái nôi đào tạo nguồn nhân lực kỹ sư chất lượng cao cho thành phố, đại diện trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng cho biết: “Trường đã có phương án phối hợp với các doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước xây dựng các khóa đào tạo về bán dẫn dự kiến cung cấp 150-200 kỹ sư hằng năm. Ngoài ra, trường sẽ hợp tác với các đại học lớn trong nước về đào tạo, nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Đồng thời, mở các chuyên ngành đào tạo đặc thù kết hợp với doanh nghiệp tài trợ các khoản chi phí và sinh viên sẽ cam kết làm việc tại doanh nghiệp sau khi tốt nghiệp”.

Dựa vào thực tế này, Đà Nẵng cần phát triển nguồn nhân lực bán dẫn, vi mạch có năng lực cao để triển khai các khóa học, thu hút nhân sự chất lượng cao về làm việc và xây dựng các cơ sở nghiên cứu tiên tiến. Từ đó có đủ điều kiện trở thành một điểm đến hấp dẫn, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học các nước tiên tiến đến Đà Nẵng để tham gia sản xuất trong các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.

Trong tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện, Mỹ ghi nhận tiềm năng to lớn của Việt Nam trong việc trở thành quốc gia chủ chốt trong ngành công nghiệp bán dẫn, đồng thời Mỹ “ủng hộ sự phát triển nhanh chóng của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam”. Hai bên cũng cam kết sẽ làm sâu sắc thêm hợp tác trong việc xây dựng một chuỗi cung ứng có khả năng chống chịu tốt hơn cho ngành công nghiệp bán dẫn.
Cáp Vương – Lệ Thành