Cuộc gặp gỡ của cha và con nơi chiến trường khốc liệt

Trong chiến tranh ác liệt, gặp được họ hàng hay đồng hương ở chiến trường là mừng lắm rồi. Nhưng để đoàn tụ với người thân trong gia đình lại càng khó. Nhưng ông Trần Công Chương lại được gặp gỡ chính cha của mình trên chiến trường Quảng Trị năm 1967.

Cha con là “đồng đội”

Chúng tôi có dịp đến thăm ông Trần Công Chương ở thôn Tiến Lạng (xã Đức Lạng, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) để được nghe ông chia sẻ lại những năm tháng binh nghiệp. Đặc biệt là cuộc hội ngộ của cha con ông nơi chiến trước ác liệt Quảng Trị năm 1967. Cha ông Chương là thiếu tá Trần Công Tính - người từng tham gia 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng là người truyền động lực giúp ông Chương hăng hái đăng ký ra chiến trường chống giặc.

644ef43cd03c14624d2d-1662954685.jpg
Ông Chương cùng bức ảnh chụp lúc cha con ông gặp nhau tại chiến trường. Ảnh: N. Duyên.

Ông Chương chia sẻ: Tôi là con đầu trong gia đình có 3 anh, chị, em. Năm 1949, sinh tôi ra vài tháng, cha tôi lên đường nhập ngũ, tham gia kháng chiến chống Pháp. Tôi và các em lớn lên trong vòng tay của mẹ, còn cha thì khoảng 3 - 4 năm mới về thăm vợ, con 1 lần.

"Trong những lần cha được về phép, ông kể cho tôi nghe những câu chuyện ở chiến trường, về những người lính dũng cảm để bảo vệ đất nước. Những câu chuyện đó đã giúp tôi có động lực tình nguyện đăng ký lên đường nhập ngũ"- ông Chương kể.

Kết thúc cuộc kháng Pháp năm 1954, ông Tính tiếp tục vào chiến trường Quảng Trị để chống Mỹ. Tháng 7/1967, vừa tròn 18 tuổi, ông Chương cũng vào quân ngũ, làm trinh sát viên pháo binh, thuộc Đại đội 3, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 45 (Đại đoàn công pháo 351) đóng tại Quảng Trị.

8da708113411f04fa900-1662954939.jpg

Ông Chương kể lại thời khắc hai cha con được gặp nhau. Ảnh: N. Duyên.

Khi con trai nhập ngũ, ông Tính mới 39 tuổi, mang hàm thiếu tá, giữ chức Phó Chính ủy Trung đoàn 102, Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1) là một trong những chỉ huy cấp cao của đơn vị.

Một lần trò chuyện với một lãnh đạo Quân đoàn 1, ông Tính tâm sự: "Có đứa con đứa con trai mới vào đây mà chưa rõ đơn vị nào", vị này nghe xong liền hỏi tên tuổi và cho người rà soát. Khi nắm rõ thông tin, họ báo lại cho ông Tính. Lãnh đạo các đơn vị sau đó lên ý tưởng sẽ dành tặng binh nhất Trần Công Chương một "món quà" nhằm động viên tinh thần cho chàng lính trẻ.

Cuộc gặp gỡ bất ngờ giữa chiến khu

Ông Chương nhớ lại: Một ngày giữa tháng 12/1967, tôi đang làm việc trên đài quan sát của Trung đoàn 45, tôi Chương được cấp trên thông báo chuẩn bị hành lý đi nhận nhiệm vụ ở Trung đoàn 102, Sư đoàn 308.

b9008d44a8446c1a3555-1662954884.jpg

Bức ảnh hai cha con ông Chương gặp nhau năm 1967 tại chiến trường Quảng Trị. Ảnh N. Duyên.

Ông Chương nhớ lại lúc được giao nhiệm vụ cũng không bất ngờ vì lúc này, Trung đoàn 45 (Đại đoàn công pháo 351) và Trung đoàn 102 (Sư đoàn 308) là hai đơn vị có hợp đồng binh chủng, đóng quân và đánh địch cùng một chiến trường.

Nhận nhiệm vụ, tôi liền chuẩn bị quân tư trang để đi bộ đến Trung đoàn 102. Quãng đường đi bộ xuyên rừng mất gần 5 tiếng đồng hồ, lúc ấy vừa đi tôi vừa suy nghĩ không biết nhiệm vụ lần này có khó không, bản thân phải làm thế nào để sớm thích nghi và hoàn thành nhiệm vụ.

Ông Chương chia sẻ với phóng viên: "Đến nơi, tôi được vệ binh dẫn vào lán tiếp khách của đơn vị. Một lát sau, tôi thấy có 5 người mang quân phục đang tiến gần về lán, khi họ tiến lại cách tôi khoảng 10m thì tôi phát hiện có cha mình. Hai cha con ôm chầm lấy nhau, cả hai cùng khóc. Cả tôi và cha tôi đều không nghĩ đến việc hai cha con lại được gặp nhau trong bối cảnh chiến tranh khốc liệt như vậy”.

2225e140dc40181e4151-1662958215.jpg
Ông Chưng với những tấm huân huy chương, kỷ niệm chương được trao tặng. Ảnh: N. Duyên.

Những ngày sau, hai cha con ăn ngủ cùng nhau, trực tiếp lên đài quan sát theo dõi chiến sự.

Ngoài hỏi han về gia đình, quê hương, ông Tính luôn nhắc nhở con cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, dũng cảm chiến đấu mang lại bình yên cho dân tộc.

Được nghỉ 7 ngày, song đến ngày thứ 3, ông Trần Công Chương đã xin kết thúc đợt phép để quay trở lại đơn vị làm nhiệm vụ. Ăn bữa cơm trưa với cha, hai cha con ngậm ngùi chia tay.

Khoảnh khắc hai cha con ông gặp nhau giữa chiến trường đã được cán bộ tuyên huấn của Sư đoàn 308 dùng máy ảnh chụp lại.

Vài tháng sau, ông Tính đã gửi thư cùng ảnh về quê để gia đình lưu giữ làm kỷ niệm. Đó là lần duy nhất hai cha con ông Chương gặp nhau tại chiến trường.

c5ecea94d09414ca4d85-1662958269.jpg

Bức ảnh hai cha con gặp nhau được phóng to treo trang trọng trong ngôi nhà ông Chương. Ảnh: N. Duyên.

Năm 1970, ông Chương được đơn vị cử đi học tại Trường Sĩ quan Pháo binh đóng ở Sơn Tây (Hà Nội), sau đó chuyển công tác vào Quân đoàn 3 và tham gia chiến trường Tây Nguyên. Thiếu tá Tính ở lại Sư đoàn 308 chiến đấu, năm 1973 bị thương ở chân phải đi chữa trị, năm 1975 ông về nghỉ chế độ tại địa phương.

Đất nước thống nhất, chiến sĩ Chương tiếp tục tham gia các cuộc chiến đấu ở biên giới Tây Nam và bảo vệ biên giới phía Bắc, nghỉ chế độ năm 1989, quân hàm đại úy.

Ông Chương kết hôn với bà Trần Thị Kim Cúc (trú xã Đức Lạng) vào năm 1974, có 4 người con, đều đặt tên gắn với các sự kiện trọng đại của đất nước hoặc những lần ông đi ông tác. Hiện các con của ông Chương đã lập gia đình, công việc ổn định.

Con trai đầu sinh năm 1975, đúng dịp Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tên Trần Thống Nhất. Con gái thứ hai và ba sinh dịp ông đi công tác ở biển Cửa Lò (Nghệ An) và tại rừng ở Thái Nguyên, nên lần lượt có là Trần Thị Thanh Thủy và Trần Thị Thanh Lâm. Người con út chào đời năm 1985, đúng dịp duyệt binh kỷ niệm 10 năm thống nhất đất nước, tên Trần Quyết Thắng.

Rời quân ngũ, trở về địa phương, cha con ông Chương cùng tham gia công tác thôn, xã. Ông Tính làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Đức Lạng nhiều năm. Tháng 12/2020, ông Tính mất. Còn ông Chương đảm nhận nhiều vai trò như Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Tiến Lạng, xã Đức Lạng.

 
Nguyễn Duyên.