Cục Quản lý giá nhận định, nhu cầu mua sắm sáng mồng 3 Tết của người dân chưa nhiều, tập trung vào buổi sáng, chủ yếu mua bán các mặt hàng rau, củ, quả, hoa tươi và các mặt hàng phục vụ cúng lễ làm cơm hóa vàng tại các gia đình. Một số cửa hàng hoa tươi đã mở bán, các sạp bán hoa di động cũng nhiều hơn so với ngày hôm trước.
Một số ít cửa hàng tiện ích đã mở cửa phục vụ nhu cầu của người dân mua sắm đi lễ chùa, chúc Tết như rượu bia, bánh kẹo...giá các mặt hàng này nhìn chung ổn định so với ngày cuối năm và lượng cung đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng, không có sự tăng giá đột biến ở các hàng hóa dịch vụ thiết yếu.
Tại một số chợ dân sinh, số lượng sạp bán rau xanh nhiều hơn do nhu cầu tiêu thụ rau xanh nhiều hơn so với thịt, thực phẩm tươi sống, nguyên nhân do người dân đã mua tích trữ nhiều thực phẩm tươi sống từ trước tết và cũng chưa có nhu cầu mua thêm trong hôm nay. Mặc dù trước lo ngại trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, người dân cũng đã hạn chế đi lễ đầu năm. Tuy nhiên, giá dịch vụ trông giữ xe tự phát tại các khu vực du lịch tâm linh vẫn cao hơn so với ngày thường.
Theo Cục Quản lý giá thời tiết miền Bắc vẫn tiếp tục rét đậm, tuy nhiên giá cả thị trường không có đột biến, nguồn cung rau, củ, quả dồi dào, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong cả nước.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, các chợ đầu mối, lượng hàng nhập chợ chỉ bằng từ 28-47% so ngày thường, chủ yếu là các mặt hàng rau, củ và trái cây. Giá cả các mặt hàng đa số theo xu hướng giảm lại về mức giá ngày thường, sức mua bán tăng nhẹ so với ngày trước do mua sắm chuẩn bị cúng đưa ông bà nhưng vẫn còn tương đối chậm, riêng một số mặt hàng giá tăng do lượng hàng về ít.
Chợ đầu mối Hóc Môn, hiện vẫn chưa kinh doanh mặt hàng thịt gia súc, chỉ kinh doanh mặt hàng rau củ và trái cây với sản lượng nhập chợ 912 tấn; trong đó, 761 tấn rau củ quả, 151 tấn trái cây, tăng 373% so ngày trước, bằng khoảng 47% lượng so ngày thường và tăng 85% so cùng kỳ năm trước, hiện có 121 sạp mở cửa hoạt động. Sức mua tại chợ vẫn ở mức thấp, giá bán các mặt hàng giảm mạnh như bầu, bí và các loại rau ăn lá… so với những ngày cao điểm trước Tết và đã về lại giá ngày thường.
Tại Thủ đô Hà Nội, nguồn cung hàng hóa phục vụ mùng 3 Tết vẫn đảm bảo dồi dào, không có tình trạng khan hàng sốt giá. Một số siêu thị lớn đã mở cửa như BigC, Co.opMart, Aeon Mall, Hapro… ngoài ra còn có 123 cửa hàng thuộc hệ thống cửa hàng tiện lợi Circle K tại các quận nội thành Hà Nội hoạt động xuyên tết, do đó luôn đảm bảo nguồn hàng phục vụ nhu cầu của người dân Thủ đô trong dịp nghỉ Tết Nguyên Đán.
Qua khảo sát của Cục Quản lý giá tình hình thị trường giá cả sáng ngày Mùng 3 Tết của một số khu vực chợ dân sinh như chợ dân sinh Lĩnh Nam Hoàng Mai, chợ Nam Đồng, Chợ Thổ Quan Khâm Thiên quận Đống Đa, chợ Thái Thịnh I, chợ Cát Linh Giảng Võ, Chợ Kim Quan Việt Hưng Quận Long Biên… giá các mặt hàng ổn định so với mùng 2 Tết. Do thời tiết tiếp tục rét đậm nên hoạt động mua bán tại các chợ dân sinh chưa diễn ra sôi động như mọi năm, chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng tươi sống như rau xanh, thủy hải sản, thịt… Giá chỉ tăng nhẹ chủ yếu ở các mặt hàng thủy hải sản tươi sống, khoảng từ 10-20% so với ngày thường. Rau củ chủ yếu do một số hộ dân có rau, củ tự canh tác đến kỳ thu hoạch nên mang bán, giá rau củ không có nhiều biến động so với ngày hôm trước.
Cục Quản lý giá dự báo giá cả hàng hóa tiêu dùng thiết yếu trong ngày Mùng 4 Tết không có sự biến động bất thường về giá do nhu cầu mua sắm ngày đầu năm vẫn chưa nhiều, người dân đa phần đã mua sắm dự trữ đầy đủ trước Tết. Tại một số tỉnh, thành phố lớn thì nhiều siêu thị cửa hàng mở cửa trở lại để phục vụ nhu cầu mua sắm các hàng hóa thiết yếu vì vậy nguồn cung hàng hóa sẽ đáp ứng đầy đủ.
Ngoài ra, mùng 4 Tết sẽ có nhiều sạp hàng tại chợ dân sinh tiếp tục mở cửa bán trở lại; một số các siêu thị mở cửa hoạt động trở lại chính thức, hoạt động mua sắm sẽ sôi động hơn. Nhu cầu mua sắm của người dân sẽ tăng hơn so với mùng 3 Tết, đặc biệt là nhu cầu đi lại, trở về các thành phố lớn để ổn định và du xuân tại các thành phố lớn.
Các mặt hàng rau, củ, quả, một số loại thực phẩm tươi sống, hoa tươi và các mặt hàng phục vụ cúng lễ vẫn là những mặt hàng có sức tiêu thụ lớn. Giá cả các loại hàng hóa sẽ tiếp tục ổn định hoặc có xu hướng tăng nhẹ. Riêng dịch vụ trông giữ xe, dịch vụ ăn uống, đồ lễ thắp hương có thể vẫn tiếp tục ở mức cao do số lượng người dân đi du xuân đầu năm và đi lễ tăng cao.
Theo Cục Quản lý giá, thực hiện chủ trương chung phòng chống dịch COVID-19, các địa phương cũng hạn chế tổ chức các hoạt động lễ hội vui chơi ngày Tết. Do đó, các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vui chơi, đi lại sẽ không có diễn biến bất thường về giá; lượng khách đến các địa điểm lễ hội sẽ giảm mạnh so với hàng năm. Giá cả các loại hàng hóa sẽ tiếp tục không có biến động nhiều so với ngày mùng 3 Tết, giá một số loại rau, hoa quả có thể giảm do lượng cung tăng.
Cục Quản lý giá kiến nghị tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá cả hàng hóa, đánh giá nguồn cung và nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, những mặt hàng có biến động, tăng giá cao trên địa bàn để chủ động phương án bảo đảm cân đối lượng hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng, gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, hoặc trong các trường hợp dịch bệnh bùng phát.
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục theo dõi và làm tốt các biện pháp phòng chống dịch tại các địa điểm có thể tập trung đông người như ở các chợ truyền thống, siêu thị./.