Cửa hàng bán đồ ăn nhanh ở Mỹ dùng đầu bếp chính là robot

Chú robot này có tên Flippy thế hệ thứ 2 đang làm nhiệm vụ nấu đồ ăn tại một cửa hàng bán đồ ăn nhanh ở bang California, Mỹ. Khi một đơn hàng được nhập vào hệ thống, robot có thể lấy nguyên liệu từ tủ lạnh, nấu chính xác theo công thức đã được lập trình sẵn, rồi chuyển sang khâu đóng gói.

Cùng với xu hướng tự động hóa ngày một cao trong các ngành sản xuất và dịch vụ trên thế giới, đặc biệt là tại Mỹ, một công ty mang tên Miso Robotics tại Nam California đã tạo ra robot chế biến đồ ăn nhanh.

Ông Mike Bell - Giám đốc điều hành Công ty Miso Robotics cho biết: "Hệ thống này sử dụng công nghệ thị giác máy tính. Có rất nhiều camera lắp trên toàn hệ thống, bao gồm cả camera nhận biết thực phẩm. Những camera này không chỉ giúp robot biết nó đang ở vị trí nào và di chuyển ra sao trong không gian bếp mà còn nhận biết loại thực phẩm và công thức nấu cho từng loại thực phẩm đó".

Cấu tạo cánh tay của Flippy 2 này sẽ lấy khoai tây chiên đông lạnh và các loại thực phẩm khác ra khỏi tủ đông, nhúng chúng vào dầu nóng, sau đó đổ sản phẩm sẵn sàng phục vụ vào khay. Với robot hiện đại này, nhiều bữa ăn với các công thức khác nhau tại các cửa hàng có thể được nấu nhanh chóng, từ đó giảm nhu cầu nhân viên phục vụ và tiết kiệm thời gian.

b1a38ed4-66ae-432f-8bf3-f7b045a2fc66-4288x2848-1665134026.jpg
Robot Flippy 2 thay con người chế biến đồ ăn nhanh, đặc biệt là các món chiên.

Ông Miso nhận định nó còn có thể làm tăng đáng kể tốc độ giao đơn hàng tại các cửa hàng lấy đồ ăn nhanh thông qua một cửa sổ và khách hàng sẽ order ngay trong xe ô tô của mình.

Để có thể đạt được thành tựu như hiện tại, công ty công nghệ này đã mất tới 5 năm để nghiên cứu và phát triển Flippy 2 cũng như đưa nó vào hoạt động thương mại. Tên của robot đầu bếp này bắt nguồn từ Flippy, một robot trước đó được thiết kế để lật bánh mì kẹp thịt. Tuy nhiên khi robot nguyên bản này hoàn thiện, công ty nhận ra khu vực chiên đồ ăn mới là bên có nhu cầu cao hơn nhiều, đặc biệt là vào ban đêm.

Do đó, Flippy 2 đã được ra mắt và nhận được sự chú ý lớn từ khách hàng. Trong quá trình vận hành, các kỹ sư của Miso có thể xem robot Flippy 2 hoạt động trong thời gian thực trên màn hình lớn, từ đó cho phép khắc phục mọi sự cố xảy ra nhanh chóng. Theo ông Bell, cho tới hiện tại đã có nhiều chuỗi nhà hàng sử dụng robot trong chiên thực phẩm như Jack in the Box ở San Diego, White Castle ở Trung Tây và CaliBurger ở Bờ Tây.

Ngoài các công ty này, ông Bell cũng chia sẻ còn 3 chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh lớn khác tại Mỹ đã đưa Flippy 2 vào hoạt động. Tuy nhiên, các cửa hàng này vẫn đang do dự về vấn đề quảng cáo do nhạy cảm với các ý kiến rằng robot đang lấy đi việc làm của con người.

Tuy nhiên, ông Bell lại có nhận định ngược lại. Ông cho rằng nhiệm vụ mà các lao động con người muốn giảm tải nhất chính là các công việc tại khu vực chiên đồ ăn trong các cửa hàng ăn nhanh. Thay vì làm công việc nhàm chán này, người lao động có thể làm những công việc khác.

Ngoài robot nấu ăn, Miso Robotics cũng đang phát triển các mẫu robot mới đảm nhiệm các vị trí khác trong cửa hàng, như robot pha chế và chuẩn bị đồ uống. Hiện các chú robot của Miso Robotics đang được triển khai tại một số chuỗi cửa hàng bán đồ ăn nhanh thuộc miền Trung Tây và khu vực bờ Tây nước Mỹ.

Với việc ra đời của những chú robot thì những cửa hàng đồ ăn nhanh sẽ không chỉ giải quyết được bài toán thiếu nhân công hiện nay mà các đơn hàng cũng hứa hẹn sẽ được đáp ứng chính xác hơn, nhanh hơn, giảm thiểu thời gian chờ đợi của khách hàng.

Thi Nguyên (t/h)