Từ khi được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (Nghị quyết A/RES/49/119) lập ra vào năm 1993 cho tới năm 2000, Ngày quốc tế Đa dạng sinh học được cử hành vào ngày 29 tháng 12 hàng năm để kỷ niệm ngày Công ước về Đa dạng sinh học (Convention on Biological Diversity) bắt đầu có hiệu lực.
Nhìn vào lịch sử, con người đã sống hàng nghìn năm trong sự đa dạng sinh học, phụ thuộc vào sự đa dạng sinh học. Tuy nhiên, không phải ở giai đoạn lịch sử nào con người cũng nhận thức được tầm quan trọng sống còn của đa dạng sinh học. Có lẽ chính vì thế, khái niệm đa dạng sinh học hết sức mới so với lịch sử tri thức nhân loại. Mãi đến năm 1988, đa dạng sinh học vói tư cách là khái niệm mới xuất hiện trong tác phẩm “Biodiversity” của nhà sinh học E.o Wilson và sau đó được đề cập nhiều lần trong các công trình nghiên cứu khác, kể cả các công trình do Quỹ quốc tế về bảo tồn thiên nhiên phát triển thực hiện. Đa dạng sinh học với tư cách là vấn đề của pháp luật được nhiều quốc gia quy định, nhất là sau khi Công ước quốc tế về đa dạng sinh học được thông qua tại Nairobi vào ngày 22/5/1992, được 150 quốc gia kí vào ngày 5 tháng 6 năm đó. Từ đó, đa dạng sinh học đã trở thành vấn đề pháp lí quốc tế và quốc gia được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm.
Đến ngày 20/12/2000, thì ngày này được đổi sang ngày 22/5 hàng năm để kỷ niệm ngày Công ước về Đa dạng Sinh học được thông qua ở Hội nghị Liên Hợp Quốc về Môi trường và Phát triển (cũng gọi là "Hội nghị thượng đỉnh Trái Đất" Earth Summit) ở Rio de Janeiro ngày 22/5/1992, và cũng phần nào để tránh trùng với nhiều ngày lễ khác diễn ra vào cuối tháng 12. Ở Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản 2442/BTNMT-TTTT ngày 10/5/2022 về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, theo đó đã hướng dẫn các địa phương các nội dung:
Các cơ quan, đơn vị tăng cường tuyên truyền, truyền thông về vai trò, tầm quan trọng của đa dạng sinh học; mô hình, giải pháp sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học; sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và có trách nhiệm, không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ động vật hoang dã và không sử dụng đồ nhựa một lần.
Các đơn vị cần thực hiện việc lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch các ngành kinh tế có tác động nhiều đến đa dạng sinh học như nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, phát triển năng lượng tái tạo; quản lý và sử dụng tài nguyên đất, nước, nhất là các khu vực bảo tồn cần được ưu tiên trong các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Tăng cường thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học theo quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường, Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, khai thác các loài hoang dã di cư tại Chỉ thị 29/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã và các văn bản chỉ đạo, điều hành liên quan. Kiểm soát các tác động tới đa dạng sinh học như hoạt động chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước; phương thức canh tác, khai thác kém bền vững; sinh vật ngoại lại xâm hại và các hoạt động gây ô nhiễm môi trường… Xây dựng chương trình hành động có định hướng và phù hợp trong bối cảnh đang diễn ra thập kỷ phục hồi hệ sinh thái của Liên Hiệp Quốc, trong đó phát triển một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, gìn giữ các tri thức truyền thống, các giống cậy trồng, vật nuôi bản địa theo khuyến nghị và hướng dẫn của Ban Thư ký Công ước Đa dạng sinh học.
Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học, số hóa quản lý di sản thiên nhiên cần được quan tâm đẩy mạnh, hướng tới việc số hóa công tác quản lý, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, phù hợp với Chính phủ điện tử ngành TN&MT. Thực hiện các giải pháp phục hồi hệ sinh thái; thiết lập, cung cố hệ thống thông tin về đa dạng sinh học, tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin để kết nối với địa phương, từng vùng di sản thiên nhiên, xây dựng và triển khai thực hiện dự án chuyển đổi số, tăng cường năng lực; hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, công cụ và thực hiện điều tra, kiểm kê, quan trắc, lập báo cáo và xây dựng, vận hành cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học.
Các địa phương có nhiều hệ sinh thái đặc hữu với những loài nguy cấp có nguy cơ tuyệt chủng, cần ưu tiên bảo vệ, Công tác bảo tồn đa dạng sinh học thực hiện đồng bộ nhằm hướng đến mục tiêu sử dụng bền vững đa dạng sinh học. Đa dạng sinh học là điều cần thiết cho sức khỏe và hạnh phúc của con người, góp phần làm cho kinh tế thịnh vượng, thúc đẩy sự phát triển cá nhân và tập thể cho xã hội loài người.
Việt Nam là một trong những quốc gia có đa dạng sinh học cao, đặc biệt là đa dạng về loài. Theo báo cáo quốc gia lần thứ 6 đối với Công ước đa dạng sinh học (2019), Việt Nam có khoảng 51.400 loài sinh vật được xác định, bao gồm: khoảng 7.500 chủng vi sinh vật; khoảng 20.000 loài thực vật trên cạn và dưới nước; khoảng 10.900 loài động vật trên cạn; khoảng 2.000 loài động vật không xương sống và cá nước ngọt; và hơn 11.000 loài sinh vật biển khác. Hàng năm, nhiều loài mới tiếp tục được phát hiện, nối dài danh lục các loài hiện có ở Việt Nam.
Trong thập kỷ vừa qua, Việt Nam đã xây dựng và tích cực thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học. Đối với hoạt động bảo tồn loài, bên cạnh vai trò của các cơ quan chính phủ cũng có sự đóng góp từ khu vực ngoài nhà nước như: các tổ chức phi chính phủ, tổ chức phát triển và cộng đồng.
Nhiều hoạt động bảo tồn loài tại chỗ được chính phủ phê duyệt như: Đề án tổng thể bảo tồn voi ở Việt Nam (2013-2020); Chương trình quốc gia bảo vệ hổ (2014 - 2022); Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030; Chương trình bảo tồn các loài rùa nguy cấp của Việt Nam đến 2025, tầm nhìn đến 2030; Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng các chương trình/kế hoạch bảo tồn loài trên địa bàn như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Kon Tum, Quảng Nam, Thanh Hoá…
Ngày Quốc tế đa dạng sinh học được công nhận và thống nhất bởi một liên minh các nhà lãnh đạo chính trị, xã hội, cộng đồng doanh nghiệp, người dân và cộng đồng trên toàn thế giới. Việc mà chúng ta cần làm ngay bây giờ là cùng hành động để hướng đến tương lai, làm thay đổi thế giới bằng những tín hiệu tích cực cho thế hệ mai sau. Đây cũng chính là nền tảng của sự sống mà chúng ta có thể xây dựng và khắc phục bằng các giải pháp tối ưu dựa trên những điều kiện của thiên nhiên khí hậu, các vấn đề sức khỏe, an ninh lương thực, nguồn nước và sinh kế bền vững.