Khởi đầu đầy gian khó
Trở lại Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, điều dễ nhận thấy diện mạo nông thôn thôn của xã ngày càng tươi sắc, với những con đường bê tông liên xã, liên bản nối dài, thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế; những khu đất trống, đồi trọc trước đây được phủ kín màu xanh bạt ngàn của cây chè, quế, mô hình rau công nghệ cao, VietGAP xanh mướt…
Đi tham quan bản làng, khi hỏi về cuộc sống của người dân mấy năm về trước, sau một hồi trầm ngâm nhớ lại những năm tháng thăng trầm, rồi những chuyển mình, đổi thay của quê hương mình.
Ông Đặng Văn Cường - Chủ tịch MTTQ xã Xuân Thượng chậm rãi kể: “Xuân Thượng khó khăn vất vả lắm. Cuộc sống của người dân chỉ trông chờ vào hạt lúa, củ khoai. Sinh kế của đồng bào nơi đây vốn chỉ quen tra hạt ngô, không biết làm thế nào cho đúng, cho đủ ấm cái bụng...”.
Cũng theo ông Cường, là một trong những xã thuộc diện khó khăn nhất huyện Bảo Yên, toàn xã có 97% là đồng bào dân tộc Dao sinh sống trên địa bàn nên nhận thức của một bộ phận nông dân còn hạn chế, còn tâm lý trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, tỷ lệ hộ nghèo cao.
“Đó là nhiều năm trước, còn giờ đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng - Nhà nước, nhất là Chương trình xây dựng NTM như chiếc “đòn bẩy” giúp người dân có điều kiện vươn lên", ông Đặng Văn Cường - Chủ tịch MTTQ xã Xuân Thượng chia sẻ thêm.
Thay đổi tư duy làm nông nghiệp
Trong sản xuất nông nghiệp, Xuân Thượng đang có những đổi thay mạnh mẽ, từ suy nghĩ đến cách làm. Năng suất lúa tuy chưa bằng các nơi khác trong huyện, nhưng nhiều gia đình đã có đủ gạo ăn quanh năm, điều mà bao đời nay người dân Xuân Thượng luôn mong ước.
Điển hình như hộ gia đình chị Lộc Thị Xích, thôn Bản 1 Là, xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên có hơn 1.000m2 diện tích đất sản xuất rau công nghệ cao được đầu tư xây dựng toàn bộ hệ thống nhà lưới, tưới nhỏ giọt.
Mô hình sản xuất rau công nghệ cao của gia đình chị Xích chủ yếu trồng các loại rau như: Cải xanh, bắp, rau thơm, mùi tàu, dưa chuột và mùa nào thức nấy… Đến nay, sản lượng rau cung cấp ra thị trường từ 1 – 2 tạ rau/1 ngày, với giá từ 15 -20 nghìn đồng/kg…
Với bản tính thật thà, chịu thương, chịu khó, dám thay đổi tư duy trong sản xuất nên sản phẩm rau sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP của gia đình chị Xích làm ra đến đâu, tiêu thụ hết đến đó, được người tiêu dùng rất tin tưởng.
Chị Xích thổ lộ: “Từ khi có nông thôn mới, bà con chúng tôi được cán bộ xã hướng dẫn quy tập, chuyển đổi từ chỗ cấy kém hiệu quả sang sản xuất rau công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP, an toàn, giá trị kinh tế cao hơn và đảm bảo môi trường…
Sản phẩm của gia đình làm ra chủ yếu tiêu thụ cho các trường học đóng trên địa bàn xã Xuân Thượng và các cửa hàng rau sạch tại tỉnh Lào Cai. Nhờ vậy mà cuộc sống của bà con dân bản khấm khá hơn xưa”.
Tương tự như chị Xích, anh Phan Hồng Quang, đã chuyển đổi hơn 3.000m2 diện tích lúa cấy kém hiệu quả sang trồng rau cải xoăn, cải cúc, hành, rau mùi.. Mô hình của anh Quang được đầu tư toàn bộ hệ thống nhà lưới, tưới nhỏ giọt. Bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình.
Anh Quang bộc bạch, bà con dân bản trước kia làm nông nghiệp lạm dụng thuốc hóa học nhiều lắm, bệnh tật cũng nhiều. Từ ngày có cán bộ về tuyên truyền bà con đã thay đổi tư duy sản xuất từ canh tác theo lối truyền thống sang canh tác tiêu chuẩn VietGAP.
Trong nông nghiệp, xã vận động nhân dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp được chú trọng nên, các khâu làm đất, gặt, tưới tiêu… được làm bằng máy móc, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con thay đổi tư sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa, công nghệ cao hướng tới thực hiện theo Đề án 885 (Quyết định 885/QĐ-TTg) của Chính phủ về phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030.
Ngoài cây quế, cây lúa, mô hình trồng rau sạch ra xã Xuân Thượng còn chú trọng phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân bằng nhiều mô hình như chăn nuôi trâu, lợn nái sinh sản, gà đồi, phát triển trồng dâu nuôi tằm, sả dược liệu, trồng rừng… Từ đó, từng bước giải quyết lao động nông thôn, tăng thu nhập cải thiện đời sống cho người dân.
Hộ ông Nông Đình Luyến, thôn Bản 2 Là, xã Xuân Thượng, xưa kia gia đình rất khó khăn, không đủ ăn. Sau khi được đi học hỏi kinh nghiệm một số mô hình phát triển kinh tế mới, ông chuyển đổi sang trồng cây quế kết hợp chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, vịt… Mỗi năm trừ chi phí, gia đình ông Luyến đút túi hơn 400 triệu đồng.
Khởi sắc nhờ nông thôn mới
Sau 12 năm nỗ lực với quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân, đến nay xã đã đạt 19/19 tiêu chí. Tổng kinh phí thực hiện trên 52 tỷ đồng, trong đó ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 36,4 tỷ đồng, nhân dân đóng góp bằng tiền mặt, công sức, hiến đất trên 15,6 tỷ đồng.
Về Xuân Thượng hôm nay, chúng tôi cảm nhận rất rõ không khí hân hoan, háo hức của cán bộ và nhân dân nơi đây khi xã được đón bằng công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Và có thể hiểu tại sao mọi người lại có chung một niềm phấn khởi như vậy? Những con đường sạch sẽ, tạo sự thuận tiện trong giao thông, giao thương. Những mô hình sản xuất chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả, giúp nhiều gia đình từ nghèo khó trở nên khá giả.
Đến nay, các công trình “Điện – đường – trường – trạm” mới đáp ứng nhu cầu của đông đảo nhân dân... Đó chính là những gì mà chương trình xây dựng nông thôn mới mang lại cho người dân nơi đây. Thu nhập bình quân đạt trên 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ khá, giàu tăng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,82% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, còn 21,13% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021 - 2025.
“Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, địa phương tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí nông thôn mới; nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tập trung chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân”, ông Nguyễn Văn Dũng – Chủ tịch UBND xã Xuân Thượng, huyện Bảo Yên, Lào Cao chia sẻ.
Mặc dù đã được công nhận xã nông thôn mới nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, rất cần có sự quan tâm tạo điều kiện từ các cấp, các ngành có liên quan để sớm đưa Xuân Thượng trở thành niềm quê đáng sống.
Tiếng hát của đồng bào người dân tộc Dao lúc chia tay khiến chúng tôi trào dâng cảm xúc. Bức tranh quê mới trên các thôn, bản vùng cao Xuân Thượng ngày càng đẹp hơn. Con đường về xã bỗng hóa gần...