Cô gái trẻ và niềm đam mê khởi nghiệp với cà phê

Bằng niềm đam mê và nhiệt huyết của tuổi trẻ, cô gái trẻ Thu Hương đã khởi nghiệp thành công với sản phẩm cà phê chất lượng cao, và trở thành sản phẩm đặc trưng của xã Đăk Lao, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông.

Tốt nghiệp ngành Hướng dẫn viên du lịch năm 2015, sau 2 năm làm việc TP. Hồ Chí Minh, Nguyễn Thị Thu Hương, sinh năm 1993, đã trở về quê với nung nấu khởi nghiệp bằng cây cà phê, bởi kỉ niệm tuổi thơ của Hương đậm dấu ấn của những cây cà phê. Gia đình cô sản xuất cà phê đã nhiều năm. Đây cũng là cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình.

co-gai-khoi-nghiep1-1662533214.jpg
Cô Nguyễn Thị Thu Hương tại Triển lãm Quốc tế Cà Phê, Bánh và Trà tại Việt Nam

Khi trở về nhà với quyết định khởi nghiệp cùng cây cà phê, Hương không được gia đình ủng hộ, bởi ai cũng thấu hiểu cảnh làm nông dân đầu tắt mặt tối nhưng lợi nhuận không được là bao, vì thế, bố mẹ cô ra sức can ngăn. Tuy nhiên, với kinh nghiệm 2 năm làm việc cho công ty sản xuất, rang xay cà phê, lại được công ty đào tạo nhiều khóa về rang xay pha chế, đồng thời, trong 2 năm 2016 và 2017, Hương đều lọt top 12 thí sinh xuất sắc nhất trong các cuộc thi pha chế cà phê chuyên nghiệp của Việt Nam, nên Hương rất tự tin về lần quay về quê hương để lập nghiệp trên chính mảnh đất gắn bó với tuổi thơ.

Thuyết phục bố mẹ bằng kế hoạch bài bản tỉ mỉ, Hương được cho mượn 1ha cà phê và vốn để bắt đầu khởi nghiệp, xây dựng cơ sở, mua máy rang xay, pha chế cà phê để sản xuất cà phê bột, từ đó, thương hiệu Daklao Coffee ra đời. Sản phẩm Daklao coffee được chế biến từ nguyên liệu ở các nông trại cà phê chất lượng và những hộ nông dân liên kết của địa phương.

co-gai-khoi-nghiep2-1662533228.jpg
Cô Nguyễn Thị Thu Hương trong một buổi chia sẻ về cách thức chế biến cà phê với nông dân

Để có được những mẻ cà phê sạch, Hương đã tìm hiểu và thay đổi quy trình sản xuất cà phê theo lối làm nông nghiệp mới, sản xuất theo hướng tự nhiên sinh học, thân thiện với môi trường, không sử dụng thuốc sâu hóa học, thuốc diệt cỏ. Đến kỳ thu hoạch, cà phê chín trên 85% mới được thu hái, sau đó, cô lựa chọn những trái cà phê chín hoàn toàn để rửa sạch, lên men và phơi nguyên hạt trên lưới để giữ độ thơm và ngon của cà phê. Hạt cà phê luôn được giữ nguyên chất, được thực hiện theo một quy trình khép kín từ khâu thu hoạch, chế biến, đóng gói thành phẩm cho cả cà phê truyền thống và cà phê rang xay.

Trong quá trình khởi nghiệp, Hương cho rằng vấn đề bảo đảm chất lượng, an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng luôn được đặt lên hàng đầu trên cả lợi nhuận. Cùng với niềm đam mê sản xuất, Hương còn mở một quán cà phê do tự tay cô pha chế để kinh doanh và quảng bá cho “Daklao Coffee”, và năm 2018, sản phẩm cà phê của Hương đã được đăng ký mẫu mã, kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, Hương đang từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối bạn hàng, phát triển sản xuất và chế biến.

ca-phe-1662533243.jpg
 

Đồng thời, cô cũng liên kết với nhiều bạn trẻ địa phương cùng nhau sản xuất cà phê sạch và xây dựng được vùng nguyên liệu cho riêng mình. Khi Hương thực hiện được mô hình cà phê sạch, đồng thời mở thêm hướng làm ăn cho bà con nông dân nơi đây khiến cho các thanh niên địa phương thêm nhiều động lực khởi nghiệp.

Với việc nâng cao hiệu quả, chất lượng của hạt cà phê sau thu hoạch và tiến tới chế biến sâu, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Hương đang mở ra nhiều hướng để tiếp cận thị trường. Điều này sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê ở Đắk Lao. Không ly hương, nhiều bạn trẻ Tây Nguyên tự tin bám trụ và lập nghiệp thành công tại chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình. Vượt qua những rào cản về tâm lý, họ lớn lên từng ngày về ý chí lập nghiệp, thay đổi tư duy và phương thức làm ăn để tạo lập một cuộc sống giàu có, văn minh.