Có 45% diện tích rừng được hưởng dịch vụ môi trường

Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, năm 2022 Quỹ đặt mục tiêu thu tiền dịch vụ môi trường rừng năm 2022 đạt 3.000 tỷ đồng. Cùng với đó là đảm bảo duy trì diện tích rừng trong lưu vực cung ứng dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng được hưởng là 6,7 triệu ha rừng, chiếm 45% diện tích rừng của cả nước bằng nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng.

Ông Lê Văn Thanh, Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam cho biết, bên cạnh việc tiếp tục đôn đốc thu tiền dịch vụ môi trường  rừng từ các loại hình dịch vụ như: thủy điện, nước sạch, du lịch… Quỹ phối hợp, tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (ERPA).

Quỹ tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế để tận dụng các nguồi lực và kinh nghiệm của quốc tế trong việc hỗ trợ thực hiện thí điểm chi trả dịch vụ môi trưởng rừng đối với dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng. Trong năm tới, Quỹ tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá tiềm năng dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng trên toàn quốc và tìm đối tác mua để gia tăng nguồn thu dịch vụ môi trường rừng tại các địa phương, huy động nguồn lực mới cho bảo vệ và phát triển rừng gắn với việc đạt được các mục tiêu quốc gia về giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

dan-duoc-loi-tu-chinh-sach-chi-tra-dich-vu-moi-truong-rung1475769148-1644124401.jpeg
Ảnh minh hoạ

Hướng tới chuyển đổi số, Quỹ xây dựng hệ thống phần mềm về quản lý Bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng trong hệ thống, phục vụ cho kiểm tra, giám sát. Đồng thời ứng dụng công nghệ viễn thám để kiểm tra giám sát diện tích rừng được chi trả dịch vụ môi trường rừng; ứng dụng chuyển đổi số, công nghệ số hóa trong việc quản lý tài chính quỹ, đảm bảo thuận tiện, an toàn và minh bạch. Các đơn vị cũng hoàn thành việc tổ chức trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho chủ rừng qua tài khoản ngân hàng hoặc thanh toán qua giao dịch điện tử.

Theo ông Lê Văn Thanh, chi trả dịch vụ môi trường rừng ngày càng khẳng định là nguồn tài chính quan trọng, bền vững của ngành lâm nghiệp. Tiền dịch vụ môi trường rừng đã góp phần bổ sung nguồn lực cho chủ rừng có kinh phí quản lý bảo vệ rừng; đồng thời hỗ trợ kịp thời cải thiện sinh kế cho người dân miền núi bảo vệ rừng có tiền nâng cao đời sống.

Thời gian qua, việc giải ngân tiền dịch vụ môi trường rừng được thanh toán qua tài khoản, giao dịch điện tử đạt tỷ lệ cao. Giải ngân nhanh chóng, thuận lợi tiết kiệm thời gian, công sức và minh bạch, phù hợp với thực tiễn; đảm bảo tiền chi đúng đối tượng, đúng mục đích, nhanh chóng và hiệu quả.

Năm 2021, cả nước đã thu được 3.118,87 tỷ đồng tiền dịch vụ môi trường rừng, đạt 107% kế hoạch thu năm 2021 và bằng 121% so với cùng kỳ năm 2020. Trong số đó, thu từ thủy điện là trên 2.894 tỷ đồng, chiếm 92,83% tổng thu, thu từ nước sạch là 107,36 tỷ đồng, chiếm 3,44%...

Sở dĩ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng năm 2021 vượt kế hoạch là do lượng nước từ rừng đổ về các hồ thủy điện tăng, sản lượng điện sản xuất từ thủy diện tăng 7,7% so với cùng kỳ. Các đơn vị cũng chỉ đạo, đôn đốc thu hồi tiền dịch vụ môi trường rừng chậm trả cũng được thực hiện quyết liệt. Bên cạnh đó, cả nước đã ký thêm 356 hợp đồng ủy thác, tương đương nguồn thu 32,3 tỷ đồng.

Cùng với đó, tổng số tiền đã chi cho chủ rừng là 1.007,6 tỷ đồng, đạt 36% so với kế hoạch chi 2021. Theo quy định nguồn tiền thu được trong năm 2021 sẽ tiếp tục được giải ngân đến 31/5/2022.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ còn gặp khó khăn như việc xác định diện tích lưu vực, diện tích rừng và xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng tại một số quỹ tỉnh bị ảnh hưởng do sự biến động hàng năm và sai khác với bản đồ theo dõi diễn biến rừng. Nguồn thu chủ yếu vẫn từ thủy điện; nguồn thu với các loại dịch vụ mới như nuôi trồng thủy sản, nước công nghiệp, du lịch…. còn nhiều khó khăn.

Việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng, giao dịch điện tử còn khó ở một vài địa phương do điều kiện hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng tới các điểm vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, dịch COVID-19 cũng ảnh hưởng, làm gián đoạn việc triển khai một số nhiệm vụ của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng các cấp./.