CIEM kiến nghị cắt giảm một loạt điều kiện kinh doanh đối với doanh nghiệp

Nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp (DN) trước các bất cập về các ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương đã kiến nghị bãi bỏ một loạt điều kiện kinh doanh (ĐKKD).

Ngày 16/11, với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - CIEM (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã công bố báo cáo: Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương và đề xuất, kiến nghị.

Tại Hội thảo, trình bày báo cáo "Rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và ĐKKD trong lĩnh vực công thương: Một số yêu cầu cải cách và kiến nghị", ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp CIEM cho biết: Đánh giá sơ bộ cho thấy, không ít ĐKKD hiện hành đã có sự phù hợp và bảo đảm nhất quán. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động rà soát, cắt giảm mạnh ĐKKD. Đặc biệt 205 ĐKKD đã được cắt giảm, đơn giản hóa sau Nghị định số 17/2020/NĐ-CP (so với đề xuất cắt giảm 202 ĐKKD).

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, các ĐKKD hiện hành vẫn tập trung vào các yêu cầu về cơ sở vật chất như kho, cầu cảng, bể chứa. Các ĐKKD này có vẻ như giúp sàng lọc các DN có năng lực. Song, việc có kho chứa đủ lớn có thể khác biệt so với dự trữ thực tế của DN. Trong khi đó, việc yêu cầu cụ thể về các cơ sở vật chất có thể làm tăng thời gian và chi phí tuân thủ cho DN.

dkkd-1668592816.jpg
CIEM kiến nghị bãi bỏ một loạt điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực công thương. Ảnh minh họa.

Trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nhiều quy định hiện hành gây chi phí cho DN như yêu cầu thương nhân phân phối xăng dầu, tổng đại lý kinh doanh xăng dầu phải có kho, bể dung tích tối thiểu 2.000 m3, thuộc sở hữu của DN hoặc thuê sử dụng của thương nhân kinh doanh xăng dầu từ 5 năm trở lên. Hay trong pha chế xăng dầu quy định trong thời hạn 1 năm kể từ ngày được cấp Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu, thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu thực hiện pha chế các sản phẩm xăng dầu phải có phòng thử nghiệm đủ năng lực để kiểm tra chất lượng xăng dầu theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Ngoài ra, trong nhiều quy định, chưa có giải trình nào hợp lý về các con số yêu cầu cụ thể đối với hệ thống phân phối.

Với kinh doanh thực phẩm, một số quy định này khá chung chung, khó theo dõi thường xuyên trong quá trình thực hiện kinh doanh thực phẩm; không làm rõ được yêu cầu thiết kế tách biệt và hiệu quả đối với bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Còn trong xuất khẩu gạo, theo Nghị định số 107/2018/NĐ-CP quy định ĐKKD xuất khẩu gạo, phải có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Theo nhóm nghiên cứu, nên cân nhắc bỏ điều kiện này bởi thương nhân chỉ cần thuê hợp đồng với một cơ sở xay xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo chuyên nghiệp khi họ có nhu cầu.

Với hoạt động thương mại điện tử, cụ thể là thiết lập website thương mại điện tử bán hàng, điều kiện đối với thiết lập website thương mại điện tử bán hàng là "đã thông báo với Bộ Công Thương về việc thiết lập website thương mại điện tử bán hàng theo quy định tại Điều 53 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP". Mặc dù có ý kiến cho rằng yêu cầu thông báo là thủ tục hành chính rườm rà. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Anh Dương, yêu cầu này vẫn được nhìn nhận là cần thiết nhằm bảo đảm niềm tin cho người tiêu dùng khi mua hàng qua các website. 

Do đó, từ những bất cập trên, CIEM đã đưa ra nhiều kiến nghị, trong đó kiến nghị bãi bỏ một loạt ĐKKD liên quan đến dung tích bể chứa xăng dầu; quy định kinh doanh trong lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương; chỉ định cơ sở kiểm nghiệm và cơ sở kiểm nghiệm kiểm chứng về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công Thương; các quy định liên quan đến cơ sở sản xuất thực phẩm...

Cụ thể, với xuất khẩu gạo, CIEM đề xuất bãi bỏ quy định có ít nhất 1 cơ sở xay, xát hoặc cơ sở chế biến thóc, gạo phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kho chứa và cơ sở xay, xát, chế biến thóc, gạo do cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, các chuyên gia và đại biểu đã đánh giá cao nhóm nghiên cứu đã nhận diện được những bất cập đối với 5 lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh có điều kiện và ĐKKD, tuy nhiên, một số chuyên gia và đại diện hiệp hội DN kiến nghị báo cáo cần đi sâu hơn vào lĩnh vực thực phẩm nói riêng và nông nghiệp nói chung, tập trung nhiều vào loại hình doanh nghiệp nhỏ và vừa. Qua đó hỗ trợ nhiều hơn cho các DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh, thích ứng được trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều bất ổn.

Đông Nghi