Chủ trì buổi hội thảo gồm có: Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh (Phó viện trưởng thường trực, Viện nghiên cứu Thanh niên) và tiến sĩ Lê Việt Thủy (Giám đốc Trung tâm Ứng dụng CNTT, Đại học Kinh tế Quốc dân).
Hội thảo có sự góp mặt của các nhà khoa học, các nhà hoạt động xã hội và các nhà báo đang công tác trong lĩnh vực mà thanh niên là lực lượng nòng cốt, cùng tham gia thảo luận các vấn đề xoay quanh cơ hội và thách thức của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số.
Các vấn đề được đưa ra bàn luận sôi nổi, nhiều ý kiến có giá trị được đúc kết lại là tiền đề cho việc xây dựng các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi số với thanh niên Việt Nam.
Gần đây có nhiều sự việc thương tâm xảy ra với người trẻ khi tham gia mạng xã hội. Chia sẻ về vấn đề an toàn trên mạng xã hội, phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh (Đại học FPT) cho biết, đây là vấn đề đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, và chúng bắt nguồn từ tin giả.
Theo phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Hoàng Ánh, việc đưa các chương trình chống tin giả trong chương trình giảng dạy các cấp, cũng như trong hoạt động của các cơ sở đào tạo ở Việt Nam là rất quan trọng và rất cần thiết. Gia đình cũng cần quan tâm đến con em mình, luôn lắng nghe để kịp thời trợ giúp cho các em.
Phát biểu về vấn đề thanh niên trong bối cảnh chuyển đổi số, tiến sĩ Nguyễn Đức Tài (Trường Đại học Đại Nam) chia sẻ, để thanh niên trở thành lực lượng nòng cốt trong chuyển đổi số, bản thân thanh niên phải luôn học tập, nghiên cứu, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số; cầu thị, tham mưu cho lãnh đạo; sáng tạo trong công tác chuyển đổi số tại đơn vị; tham gia các nhóm, chương trình chuyển đổi số; lan tỏa đến mọi người xung quanh; nỗ lực mở rộng hiểu biết về thế giới.
Với các tổ chức, doanh nghiệp, chuyển đổi số đòi hỏi mọi cá nhân từ phòng ban, tổ, nhóm bước ra khỏi “vùng an toàn” để tiếp cận với công nghệ và học hỏi các kỹ năng mới.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Tài, muốn chuyển đổi số thành công mỗi cá nhân đều phải đồng lòng và sẵn sàng trước những thay đổi, khơi dậy năng lực đổi mới sáng tạo, khơi dậy khát vọng cống cho thanh niên.
Tham luận về vấn đề nhận thức của thanh niên hiện nay với vấn đề chuyển đổi số, thạc sĩ Lê Thị Ngọc Thúy (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, thanh niên hiện nay đã có nhận thức về chuyển đổi số. Tuy nhiên, hầu như không có thanh niên nào nhận thức được toàn diện các vấn đề về chuyển đổi số. Khoảng 1% thanh niên không nhận thấy bất kỳ lợi ích nào của chuyển đổi số. Đặc biệt, hơn 80% thanh niên lo sợ rủi ro về việc lộ lọt thông tin cá nhân khi triển khai chuyển đổi số.
Thạc sĩ Lê Thị Ngọc Thúy thông tin, đây là những nội dung mà Đảng và Nhà nước cần lưu tâm và tuyên truyền, truyền thông tốt hơn nếu muốn thanh niên yên tâm và tin tưởng tham gia mạnh mẽ vào quá trình chuyển đổi số.
Tham luận vấn đề ảnh hưởng của chuyển đổi số đến kỹ năng xã hội của thanh niên, theo thạc sĩ Ngô Thu Trà My (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cả có ảnh hưởng tích cực và tiêu cực. Tích cực ở chỗ, thanh niên có được nhiều kỹ năng cần thiết như: kỹ năng học tập đổi mới, kỹ năng công nghệ, tư duy, phản biện, lãnh đạo…
Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, thạc sĩ Ngô Thu Trà My cũng chỉ ra những ảnh hưởng tiêu cực như: Công nghệ hóa máy móc thông minh, khiến người trẻ mất đi kỹ năng; nguy cơ mất đi khả năng giao tiếp xã hội; nếu không có năng lực kỹ thuật số sẽ bị đào thải.
Tại phiên thảo luận, có ý kiến cho rằng chuyển đổi số mang lại giá trị kinh tế, tuy nhiên mặt trái của chuyển đổi số khiến con người dần trở nên xa cách, các mối quan hệ sẽ dần mất đi.
Để làm rõ hơn vấn đề, theo tiến sĩ Nguyễn Đức Tài, hiện nay chuyển đổi số đang diễn ra ở mọi khía cạnh trong cuộc sống. Nếu muốn phát triển, muốn đi xa, thì chuyển đổi số không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành yêu cầu bắt buộc.
Đồng quan điểm với tiến sĩ Nguyễn Đức Tài, tiến sĩ Lê Việt Thủy cho biết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển, và muốn thành công thì cần có sự đầu tư về cả vật chất và tinh thần.
Tổng kết hội thảo theo tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh, mọi sự phát triển đều có 2 mặt, và chuyển đổi số không nằm ngoài đó. Chuyển đổi số là một quá trình dài và khó khăn từ việc nghiên cứu học thuật, đề ra chính sách cho đến bước triển khai.
Tiến sĩ Đặng Vũ Cảnh Linh bày tỏ niềm tin tưởng vào thanh niên thời đại mới, và mong muốn mỗi thanh niên cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng cần thiết trở thành đầu tàu dẫn dắt cuộc cách mạng số.