Theo các chuyên gia phân tích của ngân hàng ANZ, lợi suất trái phiếu chính phủ tiếp tục tăng lên, trong khi các dự đoán về làm phát cũng cao hơn và những đồn đoán về việc thắt chặt chính sách tiền tệ của ngân hàng trung ương các nước đang ngày càng phổ biến.
Cùng với đó, các chuyên gia này cho biết tình trạng thiếu chip trên toàn cầu sẽ kéo dài sang năm sau, từ đó làm gia tăng bất ổn đối với sự phục hồi vốn đã không đồng đều. Tình hình kinh tế kém khả quan như vậy đang gây sức ép lên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, phiên này, sự khởi sắc mạnh mẽ của nhóm cổ phiếu công nghệ tại Trung Quốc đã giúp trấn an tâm lý trên thị trường, và chỉ số MSCI khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) đã tăng 0,7%.
Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong tăng 1,30%, hay 323,95 điểm, lên 25.161,80 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 0,45%, hay 16,07 điểm, lên 3.608,24 điểm.
Tại Nhật Bản, đồng yen giảm giá đã giúp chỉ số Nikkei 225 đảo chiều đà giảm trước đó để tăng 1,57%, hay 440,01 điểm, lên 28.488,95 điểm. Tâm lý của giới đầu tư tại Nhật Bản cũng cải thiện sau khi Thủ tướng Fumio Kishida hồi cuối tuần vừa qua cho biết ông sẽ không tăng ngay thuế lợi tức đầu tư.
Lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,62%, sau khi ghi nhận mức tăng lớn nhất kể từ tháng Ba trong tuần trước. Đà tăng này đã đẩy đồng USD lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2018 so với đồng yen, ở mức 112,41 yen đổi 1 USD.
Mùa báo cáo lợi nhuận của Mỹ sẽ bắt đầu trong tuần này, và được dự báo sẽ phản ánh tác động của sự gián đoạn nguồn cung và chi phí gia tăng. Bên cạnh đó, thị trường còn hướng sự chú ý đến số liệu về lạm phát và doanh số bán lẻ của Mỹ, cũng như biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Tại Việt Nam, kết thúc phiên sáng chỉ số VN-Index tăng 10,97 điểm, hay 0,8% lên 1.383,7 điểm, trong khi chỉ số HNX-Index ghi thêm 2,03 điểm, hay 0,55%, lên 379,95 điểm.