Sơn thù du là cây sống lâu năm, mọc thành những bụi nhỏ có chiều cao khoảng 3m. Vỏ cây sần sùi, nứt nẻ và có màu nâu nhạt. Lá sơn thù du mọc đối, có hình trứng hoặc hình bầu dục, đầu lá nhọn, có một ít lông, mặt sau lông dài hơn mặt trước. Hoa mọc ở nách cành, thường nở vào tháng 2-3, cánh hoa hình mũi giác. Quả bình bầu dục, màu đỏ khi chín và vỏ bóng. Hạt hình tròn dài. Ở Việt Nam chưa trồng được nhiều cây Sơn thù du mà được nhập chủ yếu từ Trung Quốc.
Quả Sơn thù du chính là vị thuốc quý. Người dân thường thu hái quả vào tháng 10 hàng năm, sau đó mang đi phơi khô, bảo quản để dùng dần.
Thành phần hóa học
Trong quả sơn thù du có: Saponozit, glocozit, các axit hữu cơ. Trong lá sơn thù có các vitamin: C và E. Ngoài ra còn chứa: terpenoid; vitamin A, các acid ursolic; saponin, acid gallic, malic… các hoạt chất này có công dụng chống ung thư, kháng khuẩn, ngăn ngừa lão hóa, giảm huyết áp, giãn cơ và chống kinh giật.
Tính vị, tác dụng của quả Sơn thù du:
Theo Đông y, sơn thù du có vị chua, tính ôn đi vào hai kinh can và thận. Người ta dùng sơn thù du để ôn bổ can thận, chỉ hàn, điều trị các bệnh: di tinh, tiểu tiện ra tinh dịch, kinh nguyệt không đều, thận hư, ù tai ở người cao tuổi, tiểu gắt tiểu nhiều lần trong ngày, trị chứng đau xương óc.
Đối tượng sử dụng: người mắc chứng thận hư, ù tai; người bị suy giảm chức năng thận, tiểu tiện ra tinh dịch; người can thận hư mắt vàng; phụ nữ kinh nguyệt không đều.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ Sơn thù du:
Bài thuốc trị chứng thận hư, suy yếu, di tinh, hoa mắt, tiểu vặt, đau lưng và đau gối: Sơn thù 12g, đương quy 12g, phá cố chỉ 12g. Mang các vị này tán thành bột mịn, trộn thêm cùng xạ hương 0,1g (3 ly), tán lại. Hoàn với mật ong thành viên nhỏ dễ uống. Khi uống nên cho vài hạt muối vào cốc nước.
Bài thuốc trị suy nhược thần kinh do thận hư: Sơn thù 8g, địa hoàng 8g, cúc hoa 8g, hoàng bá 8g, thạch xương bồ 8g, ngũ vị 8g. Sắc các vị trên, uống hàng ngày. Một liều trình uống trong 15 ngày, nghỉ 10 ngày. Uống 3 – 5 liệu trình.
Bài thuốc trị can thận âm hư, đau lưng mỏi gối, hạ cholesterol máu: Thục địa 24g, sơn thù 12, đan bì 10g, phục linh 10g, hoài sơn 12g, trạch tả 10g. Tán thành bột, luyện với mật làm hoàn.
Trị chứng ra mồ hôi ở trẻ còi xương suy dinh dưỡng: Sơn thù 10g, sinh mẫu lệ 15g, phù tiểu mạch 12g. Mẫu lệ sắc trước 10-15 phút.
Chữa phụ nữ giảm tiểu cầu, kinh nguyệt quá nhiều: Sơn thù 40g, nhân sâm 4-8g. Sắc thành uống hàng ngày. Lưu ý: người phụ nữ có huyết nhiệt sinh ra các chứng như trên thì không dùng.
Bài thuốc bổ can thận, điều trị chứng tiểu đêm, tiểu nhiều lần: Thục địa 300g, Sơn thù 150g, bạch linh 10g, trạch tả 10g, hoài sơn 150g, đan bì 10g. Đem tất cả các vị đi nghiền bột hoàn tán, ngày uống 8-12g viên hoàn.
Điều trị chứng thận hư: 6g mỗi vị: Sơn thù, Địa hoàng, Cam cúc hoa, Thạch xương bồ, Hoàng bá, Ngũ vị tử, sắc uống hàng ngày hoặc có thể ngâm rượu uống, uống 15 ngày, nghỉ 10 ngày sau đó uống tiếp 3 – 5 lần.
Điều trị chứng kinh nguyệt không đều: Mỗi vị 15g: Sơn thù nhục, Thục địa,và 12g mỗi vị: Đương quy, Bạch thược, sắc uống.
Điều trị chứng bệnh đau xương: Mỗi vị 4g: Sơn thù du, bạch tật lê, thục địa hoàng, nhân sâm, sữa người, xa uyển, mạch môn, ngưu tất, cam cúc hoa, sắc uống liên tục trong 20 ngày.
Lưu ý khi sử dụng cây sơn thù du trong điều trị bệnh
Quả Sơn thù du khá dễ bị nhầm lẫn với táo khô nhưng thực chất 2 loại này khác hoàn toàn nhau về công dụng trong điều trị bệnh. Táo ta có màu nâu vàng hoặc nâu đen, vỏ mỏng.
Kiêng kỵ: Người có thấp nhiệt, tiểu tiện ít không nên dùng. Nam thanh niên đang trong độ tuổi phát dục, tiết niệu cấp, tiểu tiện buốt cũng không được sử dụng.
Chớ bỏ qua những bài thuốc chữa tiểu đêm, di tinh từ quả sơn thù du bởi chỉ cần sử dụng trong thời gian ngắn đã giúp người bệnh cải thiện được các triệu chứng rõ rệt. Nhưng có một nhược điểm là người bệnh nên lựa chọn kỹ quả Sơn thù du bán trên thị trường để đảm bảo hàm lượng dược chất và không bị nhầm lẫn với các vị thuốc nam, bắc khác./.