Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo sớm tìm ra nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sụt lún, xuất hiện các “hố tử thần” và đưa ra phương án xử lý triệt để nhằm ổn định cuộc sống của người dân.
Trước đó, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản giao Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), Sở Xây dựng kiểm tra, tham mưu UBND tỉnh biện pháp xử lý hiện tượng sụt lún, nứt nẻ đất công trình, nhà ở, giếng nước khô cạn ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống của người dân xã Châu Hồng trước ngày 28/4/2022. Tuy nhiên, đến thời điểm này, Sở NN&PTNT chưa báo cáo phương án xử lý dứt điểm vấn đề trên.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã phê bình Sở NN&PTNT trong việc chậm tham mưu, báo cáo UBND tỉnh phương án xử lý; yêu cầu sở kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm các bên liên quan, tham mưu báo cáo UBND tỉnh trước ngày 10/6.
Ngoài ra, Sở NN&PTNT chịu trách nhiệm tiếp tục chủ trì phối hợp Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND huyện Quỳ Hợp và các đơn vị liên quan kiểm tra thực tế hiện trường, tham mưu UBND tỉnh xử lý hiện tượng sụt lún, nứt nẻ đất công trình, nhà ở, giếng nước khô cạn trên địa bàn huyện Quỳ Hợp trước ngày 31/5.
Đối với Sở TN&MT, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu kiểm tra việc chấp hành công tác bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện Quỳ Hợp. Phối hợp chặt chẽ với Sở NN&PTNT và các đơn vị liên quan.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giao UBND huyện Quỳ Hợp chỉ đạo các tổ chức, cá nhân tạm dừng ngay các hoạt động khai thác và sử dụng nước ngầm của các dự án liên quan trên địa bàn xã Châu Hồng. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, theo dõi và có giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng và tài sản của nhân dân trong khu vực bị ảnh hưởng.
Trước đó, Tạp chí Doanh nghiệp và Kinh tế xanh đã đưa tin, trong thời gian qua, tại xã Châu Hồng (Quỳ Hợp) liên tục xảy ra hiện tượng sụt lún đất, sạt lở đất và xuất hiện hàng chục “Hố tử thần” đe dọa đến tính mạng và cuộc sống của người dân. Hiện nay, xã Châu Hồng được xem là thủ phủ khoáng sản với 11 doanh nghiệp đang khai thác, bao gồm 5 doanh nghiệp khai thác quặng, 7 doanh nghiệp khai thác đá.
Theo thông tin từ xã Châu Hồng, đến nay tại địa phương này đã có đến 299 giếng nước bị cạn trơ đáy, 191 nhà dân bị nứt nẻ, hàng chục “hố tử thần”, trong khi, toàn xã chỉ có 900 hộ dân. Nhiều trường học, trạm Y tế trên địa bàn cũng xảy ra tình trạng tương tự. Ngoài ra, trụ sở xã Châu Hồng được đầu tư hàng tỷ đồng, mới nghiệm thu được 1 năm nhưng cũng xuất hiện hàng loạt vết nứt chạy dọc tường, rộng gần 2cm…