Hội thảo do Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Đại sứ quán Nhật Bản và Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (KEIDANREN) đồng tổ chức và được phát trực tuyến với sự theo dõi của hàng nghìn doanh nghiệp trên toàn Nhật Bản.
Theo đó, trong những năm qua, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư luôn được hai nước Việt Nam - Nhật Bản đặc biệt chú trọng, đẩy mạnh toàn diện. Tính đến nay, Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ 3 trong số các nước và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ USD. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo kinh tế cấp cao kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao sự quyết tâm, nghiêm túc, hiệu quả của các nhà đầu tư Nhật Bản khi đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Thủ tướng thông tin đến các doanh nghiệp về những thành tựu nổi bật của đất nước sau gần 40 năm đổi mới và chia sẻ về những yếu tố nền tảng, về quan điểm, cách tiếp cận, mục tiêu phát triển của Việt Nam.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để huy động các nguồn tài chính, đặc biệt từ khu vực tư nhân, thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, trong đó ưu tiên năng lượng tái tạo, phát triển xanh, thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số. Việt Nam cũng đã tạo hành lang pháp lý và chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; nhiều tập đoàn lớn thế giới đã đầu tư trong lĩnh vực này và thành lập những trung tâm nghiên cứu, phát triển tại Việt Nam.
Thủ tướng mong muốn các doanh nghiệp FDI nói chung và doanh nghiệp Nhật Bản nói riêng đầu tư nhiều hơn nữa vào Việt Nam, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, vận dụng khoa học quản lý tiên tiến, hiện đại, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và đặc biệt hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung cứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ tịch Jica Tanaka Akihiko đã có bài thuyết trình đặc biệt trong phần thứ hai với chủ đề “Khả năng phát triển hợp tác Việt Nam - Nhật Bản thông qua ODA”. Từ góc nhìn của cơ quan triển khai hoạt động ODA, Chủ tịch Tanaka đã nêu bật tầm quan trọng của phát triển cơ sở hạ tầng đối với nền kinh tế Việt Nam và đóng góp của ODA Nhật Bản đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong tương lai.
Theo ông Tanaka Akihiko, có 3 điểm mà Jica có thể đẩy mạnh hỗ trợ Việt Nam trong phát huy hợp tác vận dụng nguồn vốn ODA.
Điểm đầu tiên mà Chủ tịch JICA đề cập tới là xây dựng quốc gia xanh. Sau đại dịch, các quốc gia đã chứng kiến sự thay đổi của dịch chuyển chuỗi cung ứng, trong đó tăng cường kết nối Việt Nam - Nhật Bản. Jica sẽ tập trung các dự án đầu tư vào hạ tầng giao thông giảm khí thải, ùn tắc. Hoạt động của Jica sẽ là chất xúc tác thúc đẩy hợp tác của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam.
Về các hợp tác y tế, theo ông Tanaka Akihiko, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia thành công trong hợp tác của Jica về lĩnh vực này. Việc hợp tác xây dựng năng lực phục hồi cao của các địa phương trước thiên tai, dịch bệnh cũng sẽ là trọng tâm hợp tác của Jica tại Việt Nam thời gian tới. Đặc biệt, việc đào tạo nguồn nhân lực sẽ là mục tiêu quan trọng mà Jica chú trọng trong qua hệ hợp tác giữa 2 nước Việt Nam - Nhật Bản.
Nhân dịp này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp đoàn đại biểu Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC).
Thủ tướng Phạm Minh Chính bày tỏ sự cám ơn và đánh giá cao hợp tác ODA của Nhật Bản đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hai bên nhất trí thúc đẩy quan hệ hợp tác, góp phần phát triển hơn nữa quan hệ giữa hai nước nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.