Xây dựng Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Theo đó, chiến lược cải cách chú trọng hoàn thiện hệ thống chính sách thuế gắn vớ cơ cấu thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Khai thác nội địa, tỷ trọng giữa thuế gián thu và thuế trực thu ở mức hợp lý, khai thác tốt thuế, phí và lệ phí thu từ tài sản, tài nguyên, bảo vệ môi trường. Hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật thuế và chính sách miễn, giả, bảo đảm tính trung lập của thuế, hướng tới một hệ thống thuế đồng bộ, có cơ cấu bền vững, đảm bảo huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, đồng thời, góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, công bằng, khuyến khích đầu tư, thúc đẩy cạnh tranh, điều tiết thu nhập hợp lý, phù hợp với quá trình hội nhập, phát triển của nền kinh tế.
Với mục tiêu xây dựng ngành Thuế Việt Nam hiện đại, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; công tác quản lý thuế, phí và lệ phí thuế thống nhất, minh bạch, chuyên sâu, chuyên nghiệp theo phương pháp quản lý rủi ro, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hoá thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ của người dân và doanh nghiệp.
Trọng tâm của công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử và ba trụ cột cơ bản: thể chế quản lý thuế đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập. Bên cạnh đó nguồn nhân lực chuyên nghiệp, liêm chính đổi mới, công nghệ thông tin hiện đại, tích hợp, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong bối cảnh kinh tế số.
Về cải cách chính sách thuế, bao gồm các sắc thuế, phí, lệ phí chủ yếu: Thuế giá trị gia tăng; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế xuất nhập khẩu; thuế thu nhập doanh nghiệp; thuế thu nhập cá nhân; thuế tài nguyên; thuế sử dụng đất nông nghiệp; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp; thuế bảo vệ môi trường’ các khoản phí, lệ phí và thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Quy mô đến năm 2025, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước bình quân không thấp hơn 16% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 13-14% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đến 2025 đạt khoảng 85 -86%. Trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19.
Đến năm 2030, quy mô tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 16-17% GDP, trong đó, tỷ lệ huy động từ thuế, phí khoảng 14-15% GDP; tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách nhà nước phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 86-87%.
Về cải cách quản lý thuế, hiện đại hoá toàn diện công tác quản lý thuế, phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định pháp luật Việt Nam, trọng tâm là thể chế quản lý thuế nguồn nhân lực và công nghệ thông tin.
Cụ thể, thể chế quản lý thuế đồng bộ, công khai, minh bạch, công bằng, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tuân thủ tự nguyện, cơ quan thuế có đủ năng lực quản lý thuế hiệu quả, hiệu lực.
Đội ngũ công chức thuế chuyên nghiệp, chuyên sâu, liêm chính. Áp dụng công nghệ thông tin tích hợp, tập trung đáp ứng yêu cầu xử lý, cung cấp thông tin cho quản lý thuế, công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan thuế và cung cấp dịch vụ điện tử, dịch vụ số cho người nộp thuế.
Mục tiêu đến năm 2025, mức độ hài lòng của người nộp thuế với sự phụ vụ của cơ quan thuế đạt tối thiểu 90%, đến năm 2023 là 95%.
100% Luật quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được bổ sung hoặc ban hành mới đúng kế hoạch.
Tỷ lệ hỗ trợ người nộp thuế được thực hiện qua phương thức điện tử đạt tối thiểu 70%, đến năm 2030 là 90%.
Tỷ lệ hồ sơ đăng ký thuế được cơ quan thuế giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4 trên tổng số hồ sơ nhận được đạt tối thiểu 80%, đến năm 2030 là 90%.
Tỷ lệ khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế bằng phương thức điện tử của người nộp thuế là doanh nghiệp, tổ chức đạt tối thiểu 98%; của cá nhân đạt tối thiểu 85%, đến năm 2030 cá nhân đạt tối thiểu 90%.
Tỷ lệ hồ sơ hoàn thuế, miễn, giảm thuế của người nộp thuế được cơ quan thuế giải quyết và trả kết quả đúng hạn đạt tối thiểu 98%,…..
Thực hiện chiến lược toàn diện
Một trong các giải pháp thực hiện Chiến lược là cải cách chính sách thuế.
Cụ thể, đối với thuế giá trị gia tăng, mở rộng cơ sở thuế thông qua giảm nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế giá trị gia tăng và nhóm hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 5%; tiến tới cơ bản áp dụng một mức thuế suất; nghiên cứu tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng theo lộ trình; rà soát điều chỉnh ngưỡng doanh thu áp dụng phương pháp khấu trừ cho phù hợp với thực tế; nghiên cứu áp dụng thống nhất phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % trên doanh thu đối với người nộp thuế có doanh thu dưới ngưỡng hoặc không đủ điều kiện áp dụng phương pháp khấu trừ.
Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt, rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để điều tiết tiêu dùng phù hợp với sự dịch chuyển về xu hướng tiêu dùng trong xã hội và định hướng của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường; xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, bia, rượu để hạn chế sản xuất, tiêu dùng và thực hiện các cam kết quốc tế; rà soát điều chỉnh mức thuế tiêu thụ đặc biệt một số mặt hàng để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030; nghiên cứu áp dụng kết hợp giữa thuế suất theo tỷ lệ và mức thuế tuyệt đối đối với một số hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, tiếp tục thu gọn số lượng mức thuế suất để đơn giản biểu thuế nhập khẩu, phấn đấu đến năm 2025 số lượng mức thuế suất thuế nhập khẩu giảm từ 32 mức hiện nay xuống còn khoảng 25 mức vào năm 2025 và 20 mức vào năm 2030.
Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn, giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển, yêu cầu hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, đảm bảo tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định trong trung và dài hạn; thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, đồng thời, chuyển trọng điểm chính sách thu hút đầu tư nước ngoài từ số lượng sang chất lượng, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư vào những ngành, nghề mũi nhọn và những địa bàn cần khuyến khích đầu tư.
Đối với thuế thu nhập cá nhân, rà soát bổ sung đối tượng chịu thuế; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung theo hướng điều chỉnh số lượng và các mức thuế suất phù hợp với thu nhập chịu thuế phù hợp với bản chất của từng loại thu nhập, tạo điều kiện đơn giản trong quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho cả người nộp thuế và cơ quan quản lý thuế, ngăn chặn các hành vi trốn, tránh thuế;….
Giải pháp về cải cách quản lý thuế, hoàn thiện thể chế quản lý thuế trong một số lĩnh vực trọng yếu như: chống chuyển giá; hoạt động sản xuát kinh doanh mới phá sinh trong nền kinh tế, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, sản xuất thông minh, giao dịch xuyên biên giới; đại lý thuế; việc trao đổi thông tin giữa cơ quan thuế với các cơ quan liên quan.
Cung cấp, phổ biến đầy đủ, kịp thời quy định của pháp luật thuế, thông tin quản lý thuế đến người nộp thuế và tổ chức, cá nhân khác nhằm nâng cao nhận thức và sự đồng thuận của xã hội về công tác thuế của Nhà nước; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác hỗ trợ người nộp thuế.
Cải cách đồng bộ, hiệu quả hồ sơ thủ tục về đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế, miễn, giảm thuế rõ ràng, minh bạch, dễ thực hiện. Hiện đại hoá công tác dự báo thu theo các phương pháp được quốc tế công nhận đối với một số sắc thuế chính, từng bước áp dụng nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác phân tích, dự báo thu, lập dự toán thu ngân sách nhà nước hiện nay, đáp ứng yêu cầu của tiến trình cải cách và hiện đại hoá hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030;…
Chính phủ giao Bộ Tài Chính chủ trì, tổ chức triển khai Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến 2030. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí vốn đầu tư công hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Luật Đầu tư công thể thực hiện. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp với Bộ tài chính và cơ quan liên quan căn cứ chứn năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn theo quy định của pháp luật, có trách nhiệm chỉ đạo, tham gia thực hiện các nội dung có liên quan của Chiến lược này.