Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa cách đây vừa tròn 234 năm - ngày mùng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, đánh đuổi 29 vạn quân xâm lược Mãn Thanh đã ghi dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đó là chiến thắng đỉnh cao của phong trào Tây Sơn được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của nông dân kết hợp với truyền thống yêu nước và đoàn kết của dân tộc.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, đây là hoạt động vô cùng ý nghĩa, nhằm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của dân tộc, hướng về cội nguồn, tôn vinh quá khứ vẻ vang mà ông cha đã dày công vun đắp, giúp chúng ta vững bước đi lên trong tiến trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
“…Phát huy tinh thần chiến thắng của Ngọc Hồi Đống Đa bất tử và khí thế thần tốc bách chiến, bách thắng của Hoàng Đế Quang Trung, trước vận hội mới của đất nước, thôi thúc chúng ta tranh thủ thời cơ, vượt qua thách thức nỗ lực phấn đấu xây dựng Bình Định trở thành nước phát triển thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực miền Trung, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước…”, ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa lịch sử là một trong những chiến công chống ngoại xâm nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam và là chiến công oanh liệt nhất của Hoàng đế bách chiến bách thắng Quang Trung.
Cuộc đời và sự nghiệp của Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ đã đóng góp quyết định vào sự nghiệp thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn, chấm dứt cuộc nội chiến phân tranh giữa nhà Trịnh ở phía Bắc và nhà Nguyễn ở phía Nam kéo dài suốt 2 thế kỷ.
Năm Kỷ Dậu 1789 cũng là năm đã đi vào lịch sử dân tộc và lòng người Việt Nam. Đó là một trong những mùa xuân kỳ diệu nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường, cho sức mạnh tinh thần đại đoàn kết của dân tộc, tiêu biểu cho sức mạnh phi thường, ý chí kiên cường, lòng quả cảm và sự sáng tạo phong phú của dân tộc ta.
Tại buổi lễ, lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Định cùng hàng ngàn người dân trong và ngoài tỉnh đã thành kính dâng hoa tại tượng đài Hoàng đế Quang Trung; dâng hương tại Điện thờ Tây Sơn tam kiệt để tưởng nhớ công đức của Tây Sơn Tam kiệt cùng các văn thần, võ tướng của triều đại Tây Sơn đối với sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước.