Facebook Messenger, WhatsApp, Snapchat,… vốn là những ứng dụng nhắn tin quen thuộc với rất nhiều người trên thế giới hiện nay. Tuy nhiên, thời gian gần đây một ứng dụng nhắn tin đang nổi lên thu hút rất nhiều người sử dụng với loạt ưu điểm vượt trội là Telegram Messenger. Hãy cùng tìm hiểu xem điều gì đem lại sức hút cho ứng dụng tin nhắn này.
"Máy bay giấy" ra đời
Năm 2006, hai thanh niên người Nga tên Pavel Durov và Nikolai Durov đã sáng lập ra mạng xã hội Vkontakte, có nghĩa là "liên lạc" trong tiếng Nga, sau đổi tên thành VK. Mạng xã hội này khá phổ biến ở Nga với hơn 350 triệu người dùng, và Pavel Durov lúc đó được ví như Mark Zuckerberg của Nga.
Sau khi rời khỏi vị trí Giám đốc điều hành VK vào năm 2014, Pavel đã quyết tâm lập nên một ứng dụng tin nhắn siêu bảo mật.
Đến tháng 8/2013, hãng tin Reuters có đăng tải một bài viết với tiêu đề: "Mark Zuckerberg của Nga ra mắt Telegram, một ứng dụng nhắn tin tức thời với biểu tượng chiếc máy bay giấy”. Ý tưởng biểu tượng này ra đời trong một lần Pavel gấp những tờ USD thành máy bay và phóng nó ra ngoài cửa sổ văn phòng, khi đó anh vẫn đang điều hành “đế chế” VK ở thời kỳ đỉnh cao.
Khi công nghệ ngày một phát triển và xâm nhập mạnh mẽ vào cuộc sống, người ta bắt đầu lo lắng về vấn đề quyền riêng tư hơn là những lợi ích mà nó có thể đem lại. Trong những năm gần đây, những “gã khổng lồ” Internet như Facebook hay Google đã khiến người dùng bức xúc và lo lắng bởi những phát ngôn hời hợt và thiếu trách nhiệm về quyền riêng tư của họ khi sử dụng ứng dụng.
Nhưng với Telegram lại khác. Ứng dụng này được xây dựng và phát triển theo giao thức bảo mật mã hóa riêng tên là MTProto, với mục tiêu bảo vệ các cuộc trò chuyện riêng tư của người dùng để không bị các bên thứ ba theo dõi, chẳng hạn như các cơ quan chức năng, nhà tuyển dụng hay các nhà tiếp thị.... Điều này lý giải cho việc vì sao ngay khi vừa ra mắt, Telegram đã được nhiều trang công nghệ lớn đánh giá là “dịch vụ nhắn tin miễn phí tốt nhất thế giới”.
Nhà sáng lập Telegram Pavel cũng từng khẳng định lý do hàng đầu giúp Telegram thành công như ngày hôm nay chính là nhờ vào việc xây dựng một cách thức giao tiếp có tính bảo mật cao. Hệ thống của Telegram bảo mật cao đến mức ngay cả các công ty an ninh của chính phủ cũng không thể tiếp cận được. Do đó, người dùng có thể nhắn tin, tương tác với bạn bè mà không phải lo lắng bị các cơ quan an ninh hay tin tặc đánh cắp thông tin. Chức năng này của Telegram còn được gọi là “Tin nhắn bí mật”.
Một điều đặc biệt quan trọng khác khiến Telegram nổi trội hơn các ứng dụng nhắn tin còn lại đó là nó là một dịch vụ đám mây. Ứng dụng này lưu trữ tin nhắn, ảnh, video và tài liệu từ các cuộc trò chuyện đám mây của bạn trên máy chủ, từ đó giúp người dùng có thể truy cập dữ liệu từ bất kỳ thiết bị nào của mình trong bất cứ lúc nào mà không cần phải phụ thuộc vào bản sao lưu của bên thứ ba. Tất cả dữ liệu được lưu trữ bằng mã hóa cao và các khóa mã hóa trong mỗi trường hợp được lưu trữ trong một số trung tâm dữ liệu khác ở các khu vực pháp lý khác nhau. Bằng cách này, những kẻ xâm nhập đều không thể truy cập vào dữ liệu người dùng.
"Đế chế" mới trỗi dậy
Tên tuổi của ứng dụng tin nhắn Telegram càng trở nên phố biến hơn trong thời gian gần đây nhờ sự cố “sập mạng” trên toàn cầu của mạng xã hội lớn nhất hành tinh Facebook, cùng các dịch vụ thuộc sở hữu của Facebook hồi đầu tháng này, khiến người dùng đổ xô sang các nền tảng nhắn tin khác để có thể giữ liên lạc với bạn bè và người thân... Theo báo cáo từ Reuters, ngày 5/10 vừa qua, nền tảng nhắn tin Telegram "bỗng dưng" có thêm hơn 70 triệu người dùng mới.
Nhà sáng lập Telegram Pavel Durov cho biết nền tảng nhắn tin của mình ghi nhận lượng người dùng tăng đột biến trong thời gian Facebook mất kết nối. Tốc độ tăng trưởng số người dùng hàng ngày của Telegram đã vượt xa mức thông thường. Việc hàng chục triệu người đăng ký cùng lúc khiến việc truy cập dịch vụ nhắn tin Telegram gặp khó khăn ở một số khu vực, chủ yếu là Bắc Mỹ. Dù Pavel không đề cập đến điều đó trong bài đăng nhưng việc gửi tin nhắn trên máy tính để bàn ở Vương quốc Anh cũng chậm hơn bình thường.
Để chào đón người dùng Telegram mới, Pavel đã giới thiệu về liên kết đến kênh Telegram Tips nhằm mang đến cho mọi người cái nhìn về một số tính năng mạnh mẽ mà nền tảng này cung cấp. Anh còn đăng một liên kết hướng dẫn người dùng nhập các cuộc trò chuyện từ WhatsApp sang Telegram. Thống kê của Sensor Tower cũng cho thấy, Telegram đã tăng 55 bậc và đứng đầu bảng xếp hạng tải xuống trên App Store tại Mỹ ngày 4/10.
Quả thật, với những ai đề cao quyền riêng tư, thì Telegram sẽ là một lựa chọn tốt nhất dành cho họ. Hiện ứng dụng Telegram do Pavel Durov điều hành đang là một ứng dụng nhắn tin bảo mật có hơn 500 triệu người dùng mỗi tháng./.