Tác động của giá xăng dầu đối với phúc lợi hộ gia đình

Nhằm đưa ra bức tranh cụ thể và chi tiết về thị trường xăng dầu Việt Nam cũng như các vấn đề về các loại thuế đánh vào xăng dầu và những nhân tố đang ảnh hưởng đến giá xăng dầu bán lẻ hiện nay, sáng 27/6, Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) công bố nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình”.

Xăng dầu là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người tiêu dùng. Do đó, việc đánh các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và chi tiêu của hộ gia đình. Tại Việt Nam, hiện mỗi lít xăng, dầu bán ra đang phải chịu các loại thuế như: Giá trị gia tăng (10%), nhập khẩu (khoảng 10%), tiêu thụ đặc biệt (từ 8%-10%) và bảo vệ môi trường. Chỉ trong vòng hai tháng (12/4/2022 đến 13/6/2022), giá xăng dầu đã tăng liên tục sáu lần, vượt mức 32.000 đồng/lít (tăng gần 50% so với đầu năm 2022) và vượt đỉnh lịch sử tháng 7/2014 (26.140 đồng/lít).

Điều này đồng nghĩa với việc gánh nặng thuế đối với người tiêu dùng ngày càng gia tăng và tạo sức ép phải giảm bớt gánh nặng này. Tuy nhiên, thuế xăng dầu hiện đang đóng góp một phần quan trọng trong ngân sách nhà nước. Việc giảm thuế sẽ dẫn tới hao hụt không hề nhỏ, gây ảnh hưởng tới các hoạt động kinh tế khác.

356401711-571887928448983-6011593754524528995-n-1687853468.jpg
Sự kiện công bố nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình”.

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đức Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) khẳng định, tất cả các ngành trong nền kinh tế đều chịu ảnh hưởng lớn bởi thị trường xăng dầu. Khi giá xăng dầu biến động, chắc chắn giá cả các mặt hàng khác cũng sẽ biến động theo. Từ đó, gây tác động đến tính ổn định của nền kinh tế và đặc biệt tác động trực tiếp đến dời sống của người dân.

Hiện, đã có rất nhiều năng lượng mới được phát minh nhưng chưa năng lượng nào đủ khả năng thay thế hoàn toàn cho xăng dầu. Tuy nhiên, nguồn năng lượng này lại có giới hạn, không được tái tạo thêm, trong khi lại được sử dụng ngày càng nhiều. Vì vậy, giá cả xăng dầu ngày càng tăng lên là điều khó tránh khỏi.

Bên cạnh đó, nghiên cứu chỉ ra rằng, mặc dù giá xăng dầu bán lẻ của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, so với thu nhập bình quân đầu người thì mức giá này ở vị trí cao hơn so với một vài quốc gia phát triển hoặc có cùng điều kiện về kinh tế như Mỹ, Nga, Malaysia, Indonesia...

Dựa trên phân tích về chi tiêu cho xăng dầu của các hộ gia đình tại Việt Nam giai đoạn 2012-2018, nhóm nghiên cứu nhận thấy các hộ gia đình có thu nhập thấp có xu hướng tăng tiêu dùng cho xăng dầu qua các năm. Đồng thời số hộ sử dụng xăng dầu tăng theo thời gian. Hộ gia đình thu nhập thấp có ít khả năng tiết kiệm chi tiêu xăng dầu hơn hộ gia đình có thu nhập cao bởi vì họ tiêu dùng xăng dầu ở mức cần thiết nên ít bị co dãn về giá đối với mặt hàng này. Các hộ này thường tập trung nhiều hơn ở các vùng kém phát triển kể cả về kinh tế cũng như hạ tầng giao thông hơn, ở nông thôn hay ở miền núi. Chính vì vậy, họ dễ bị ảnh hưởng nhiều hơn do sự thay đổi giá xăng dầu so với các nhóm thu nhập trung bình, khá và giàu. Tốc độ tăng thu nhập và chi tiêu cũng có ảnh hưởng đáng kể tới tổng thể chi tiêu cho xăng dầu.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chi tiêu cho xăng dầu bình quân của hộ gia đình tăng lên thì phúc lợi đa chiều bình quân đầu người của hộ sẽ giảm xuống. Hàm ý rằng việc cắt giảm chi tiêu cho xăng dầu sẽ giúp cải thiện phúc lợi đa chiều bình quân đầu người của hộ gia đình.

gia-xang-dau20230627123802-1687853468.jpg
Giá xăng dầu ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình. Ảnh minh họa

Bên cạnh đó, nghiên cứu của VESS cũng phân tích, đánh giá tác động của chính sách điều hành thị trường xăng dầu đối với doanh nghiệp. Theo đó, chính sách vận hành thị trường kinh doanh xăng dầu đang tạo ra nhiều rào cản cho doanh nghiệp phân phối và bán lẻ.

Cụ thể, một số quy định hiện hành trên thị trường xăng dầu có dấu hiệu bị chi phối bởi các nhóm lợi ích đã tồn tại trong quá khứ, hệ thống động lực và mức cạnh tranh kém hiệu quả, tạo ra rủi ro đứt gãy nguồn cung khi có biến động giá thế giới. Ngoài ra, thiết kế đánh thuế vào xăng dầu như hiện nay không những khiến giá xăng dầu cao mà còn khuếch đại tính bất ổn của giá xăng dầu.

Vì vậy, để tăng tính cạnh tranh trong thị trường kinh doanh xăng dầu, nhóm nghiên cứu đề xuất xem xét loại bỏ quy định về khoảng cách tối thiểu của Bộ Xây dựng để tăng tính cạnh tranh cho thị trường. Sửa đổi chính sách liên quan như các quy định vận hành thị trường, chiết khấu, cho phép doanh nghiệp bán lẻ được nhập xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau… Chính phủ và các cơ quan ban, ngành liên quan cần tính đúng và tính đủ giá xăng dầu cơ sở, bảo đảm cân bằng hài hòa lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ và Chính phủ.

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc thực hiện dự trữ xăng dầu quốc gia, tách chức năng chính sách khỏi chức năng kinh doanh của các doanh nghiệp đầu mối. Tạo lập một thị trường cho phép giá xăng dầu ở mức vừa phải so với thu nhập của người dân, đặc biệt hộ nghèo, có thể có tác động tích cực đến phúc lợi của hộ gia đình...

Hương Lan